Sau 2 phiên bị bán tháo, chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại sau khi giới đầu tư bình tĩnh suy xét những yếu tố khiến thị trường biến động thái quá.
Thị trường trải qua một phiên biến động mạnh khi chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc giảm đến 567,01 điểm và sau đó lại tăng đến 600,48 điểm.
Đóng cửa ngày 6/2, chỉ số Dow Jones vẫn tăng 567,02 điểm lên 24.912,77 điểm.
Chỉ số S&P 500 chốt phiên tăng 1,7% lên 2.695,14 điểm, còn chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 2,1% lên 7.115,88 điểm.
Theo một nhà quản lý danh mục đầu tư của hãng PGIM, còn quá sớm để nói rằng thị trường đã chạm đáy, nhưng ít nhất thì thời điểm tồi tệ nhất đã qua đi.
Các thị trường cổ phiếu tại châu Âu vẫn giảm, với chỉ số Dax của Đức mất 2,3% và chỉ số CAC 40 của Pháp mất 2,4%.
Hôm đầu tuần (5/2), chỉ số Dow Jones đã giảm tới 1.175,21 điểm, sau khi có thời điểm mất tới hơn 1.500 điểm. Các chỉ số chủ chốt của Mỹ bắt đầu giảm mạnh từ ngày thứ Sáu tuần trước sau khi báo cáo việc làm của Mỹ báo hiệu lãi suất có thể sắp tăng.
Theo một chuyên gia phân tích của hãng ICON Advisers, đây có thể chỉ là việc thị trường chững lại sau đợt tăng mạnh chứ không phải dấu hiệu của một thị trường giảm giá. Không có các điều kiện đặc trưng cho một thị trường xuống giá.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường mất điểm mạnh trong vài ngày qua do sự kết hợp của một số yếu tố như lo ngại về khả năng lãi suất tăng, thị trường thủng ngưỡng kỹ thuật kích hoạt các lệnh bán do máy tính thực hiện tự động và việc các quỹ sử dụng làm đòn bẩy rút ra.
Trước đó nhiều tuần, một số nhà phân tích đã cảnh báo thị trường đã đến lúc cần điều chỉnh sau khi liên tục thiết lập các mốc cao kỷ lục.
Theo một nhà phân tích của hãng J.P. Morgan, việc cổ phiếu bị bán tháo là cơ hội để mua vào sau khi hệ số P/E của chỉ số S&P 500 đã về dưới mức 16x, trong khi thị trường vẫn đang hưởng lợi từ gói cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Trump và lợi suất trái phiếu đang ổn định trở lại.
Minh Tuệ