CHÀO BUỔI SÁNG quý độc giả! Sáng nay, Đại Kỷ Nguyên xin mang đến cho các bạn 1 số tin tức đáng chú ý sau: Nửa đất nước chìm trong rét đậm, người Hà Nội đốt nửa xua giá rét, mẹ tật nguyền chăm con nhỏ bằng chân, trẻ nhỏ làm gì khi kẹt trong hỏa hoạn.

1. Một nửa đất nước chìm trong rét đậm, rét hại

Không khí lạnh tăng cường mạnh kéo nền nhiệt sớm ngày 3/2 ở miền Bắc và bắc miền Trung (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) xuống 1-2 độ so với sáng 2/2. Bốn trạm quan trắc ghi nhận Pha Đin (Điện Biên), Đồng Văn (Hà Giang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và thị trấn Sa Pa (Lào Cai) xuống dưới 2oC.

Hà Nội sớm ngày 3/2 rét nhất là Ba Vì – dưới 10oC. Bắc miền Trung nhiệt độ phổ biến 10-12oC. Cuộc sống người dân đảo lộn vì giá rét. Người buôn bán mở hàng muộn hơn, đường phố sáng sớm vắng vẻ, công viên vắng bóng cụ già và trẻ nhỏ. Nông dân ngưng gieo cấy và xuống giống.

Sáng 2/2 Mẫu Sơn (Lạng Sơn) xuống 0 độ C, hai ngày trước xuống xấp xỉ âm 2 độ, băng giá tràn ngập. (Ảnh: Hoàng Huy)

2. Người Hà Nội đốt lửa xua giá rét

Trời Hà Nội cả ngày 3/2 nhiệt độ chỉ 10-13oC, ban đêm sương xuống làm tăng cảm giác giá rét nên nhiều người đốt lửa sưởi ấm.

Bãi đất trống của một công trình xây dựng bên sông Tô Lịch được tận dụng làm nơi đốt lửa giữ nhiệt cho công nhân nghỉ ngơi.

Tại một vườn hoa trên đường Sơn Tây, đống lửa nhỏ của người bán nước giúp xua đi cái giá rét buổi tối.

Chiếc bếp nướng ngô khoai được tận dụng để sưởi ấm đôi tay.

3. Người mẹ tật nguyền chăm con nhỏ bằng chân

Từ bé, chị Trần Thị Cậy (Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị dị tật khiến cơ thể không có tay, một bên chân cũng bị khèo. Điều kỳ diệu, với bản năng của người làm mẹ, chị vẫn tự mình chăm sóc con theo cách của riêng mình.

Bé Minh Khôi – 2 tuổi là món quà lớn nhất mà ông trời dành tặng chị. (Ảnh: Toàn Vũ)
Chị Cậy có thể sử dụng đôi chân làm các việc hàng ngày một cách khéo léo, nhanh nhẹn. (Ảnh: Toàn Vũ)
Cuộc sống dù còn nhiều vất vả song căn nhà vẫn luôn rộn rã tiếng cười. (Ảnh: Toàn Vũ)

Hàng ngày, chị tranh thủ gửi con cho bà ngoại để đi chăn bò và làm những công việc lặt vặt trong xóm kiếm thêm thu nhập. Nhìn cái dáng bé nhỏ, mỗi lần dắt bò phải ghẹo cổ, nghiêng người khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Thế nhưng, chị Cậy cho biết, dù có vất vả đến đâu chị cũng cố gắng miễn là có thể lo cho tương lai của con sau này được đến trường, bằng bạn, bằng bè. “Mình đã thiệt thòi, vất vả đủ đường nên chỉ mong con sau này có cuộc sống tốt hơn”, chị Cậy nói.

4. Làm gì khi bị kẹt trong tòa nhà bốc cháy

Khoảng 18h ngày 3/2, một vụ cháy lớn xảy ra bên trong tòa nhà 12 tầng Hado building tại số 8 phố Cao Đạt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Theo nhân chứng cho biết, ngọn lửa bùng phát cùng khói đen bao phủ bên trong nhà hàng thuộc tòa nhà 12 tầng Hado building khiến nhiều người mắc kẹt, hoảng loạn liên tục la hét kêu cứu. Rất may là không có thiệt hại về người nhưng về tài sản thì hiện tại chưa thống kê được.

Chắc hẳn có rất nhiều người làm việc trong các văn phòng bên trong những tòa nhà cao ốc. Vậy, nếu như những tòa nhà cao tới 20-35 tầng mà xảy ra hỏa hoạn, bạn sẽ xử lý thế nào?

Biết đâu, hỏa hoạn có thể ghé thăm khi không có bố mẹ ở nhà, Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu tới quý độc giả 7 kỹ năng do một giảng viên khoa Phòng cháy – Đại học PCCC đã đưa ra dành riêng cho trẻ em mà cha mẹ cần dạy con:

  • Kỹ năng 1: Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì các con phải gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa. Số điện thoại các chú là 114.
  • Kỹ năng 2: Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn có mặt ở đó.
  • Kỹ năng 3: Chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn xảy ra. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi điện cho cứu hỏa.
  • Kỹ năng 4: Nếu gia đình bạn sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, hãy dạy bé rằng đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy khi có hỏa hoạn vì khi đó thang máy có thể ngừng giữa chừng do ngắt điện. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.
  • Kỹ năng 5: Nhớ rằng không những lửa mà khói và hơi độc cũng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh bị ngộp vì khói, hãy dạy bé di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng nước nếu có thể.
  • Kỹ năng 6: Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa hãy dạy bé phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.
  • Kỹ năng 7: Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.

Kết thúc chuyên mục, Đại Kỷ Nguyên kính chúc quý độc giả một buổi sáng tốt lành và một ngày làm việc hiệu quả!

Thanh Long