Trước những phản ứng gay gắt về một loạt quy định “không giống ai” trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối như siêu thị phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, siêu thị không được giảm giá quá 3 lần/năm, Bộ Công Thương sáng 28/6 đã yêu cầu dừng xây dựng dự thảo này.

Theo Tuổi trẻ, trong công văn vừa công bố, Bộ Công Thương cho rằng sau khi căn cứ vào sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay, việc dừng xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối là cần thiết.

Trước đó, đề nghị xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối của Bộ Công Thương vừa được đưa ra đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng một số quy định không rõ trong dự thảo Nghị định có nguy cơ biến tướng thành giấy phép con.

Cụ thể, dự thảo có nội dung siêu thị tiêu chuẩn phải có diện tích kinh doanh từ 250 mét vuông trở lên; phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại.

Cùng với đó, dự thảo cũng quy định yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối. Mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày.

Góp ý về dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng nội dung của giải pháp này có nhiều bất cập đáng kể.

Theo VCCI, Chính phủ và Bộ Công Thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà bộ này quản lý, nhưng một số nội dung trong dự thảo về bản chất lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Đơn cử như quy định tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250 mét vuông đến dưới 10.000 mét vuông làm giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ. Đặc biệt, quy định thời gian mở cửa đối với siêu thị, trung tâm thương mại được VCCI đánh giá là “can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp bởi đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần, không nên can thiệp”.

Ngoài ra, VCCI cho rằng việc bắt buộc siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại là không thực tế và không cần thiết.

Chia sẻ trên Dân Việt, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu nghị định của Bộ Công Thương được ban hành, chắc chắn nó sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam, tạo ra thế độc quyền cho các ông lớn. Khi các doanh nghiệp nhỏ bán lẻ teo tóp thì ngoài việc các ông lớn độc quyền, các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc càng dễ thâu tóm và chi phối thị trường.

Vỹ An