Trong khi chờ Thủ tướng xem xét, cơ quan chủ quản của Bia Sài Gòn là Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp này tạm nộp gần 2.500 tỷ đồng vào ngân sách theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Tối 13/4, theo Tuổi Trẻ, trong khi chờ Thủ tướng xem xét, cơ quan chủ quản của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là Bộ Công thương trước mắt đã yêu cầu doanh nghiệp này tạm nộp số tiền 2.495 tỷ đồng vào ngân sách.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước ban hành ngày 8/2, số tiền trên là khoản lợi nhuận của Sabeco chưa được phân phối ngày 31/12/2016 cho cổ đông nhà nước, tương ứng với 89,59% lợi nhuận còn lại.

Hiện hội đồng quản trị Sabeco đang xem xét yêu cầu trên của Bộ Công Thương và sớm có quyết nghị cuối cùng cho việc có thực hiện hay không.

Bộ Công thương bắt Sabeco tạm nộp gần 2.500 tỷ đồng vào ngân sách
Bộ Công Thương yêu cầu Sabeco trước mắt tạm nộp gần 2.500 tỷ đồng vào ngân sách.

Đáng chú ý, yêu cầu của Bộ Công Thương được đưa ra trong bối cảnh kết luận của Kiểm toán Nhà nước vẫn đang gây tranh cãi về tính pháp lý.

Theo Sabeco, tại thời điểm 18/12/2017, Nhà nước đã thực hiện thoái 53,59% vốn cho Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev), nên tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Sabeco ở thời điểm 28/12/2017 chỉ còn 36%. Do đó, việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31/12/2016 cho cổ đông nhà nước với tỷ lệ 89,59% theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước là “không có cơ sở thực hiện, phải chốt danh sách cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014”.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng vừa có văn bản gửi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính để phản đối việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp 2.495 tỷ đồng vào ngân sách.

VAFI cho rằng việc yêu cầu Sabeco khoản tiền gần 2.500 tỷ đồng này là trái với Luật Doanh nghiệp.

Theo VAFI, khoản lợi nhuận chưa phân phối 2.900 tỷ đồng chỉ được thanh toán cho các cổ đông khi hội đủ các điều kiện: được Đại hội cổ đông biểu quyết thông qua, được Hội đồng quản trị triển khai thực hiện nghị quyết đó, hội đồng quản trị phải chốt ngày hưởng quyền lĩnh cổ tức và xác lập danh sách cổ đông tại ngày chốt quyền đó, chỉ có cổ đông trong danh sách chốt quyền thì mới được hưởng cổ tức.

Trong trường hợp Đại hội cổ đông tới đây của Sabeco biểu quyết thông qua việc phân chia 2.900 tỷ đồng thì cổ đông nhà nước chỉ được hưởng 36% của khoản phân chia này vì nhà nước đã bán bớt cổ phần của mình vào ngày 27/12/2017.

Nguyễn Trang