Lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết các doanh nghiệp Mỹ lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.     

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI diễn ra tuần qua, ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham khẳng định Mỹ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Quan hệ thương mại Việt – Mỹ đã phát triển nhanh chóng, từ 450 triệu USD kim ngạch thương mại hai chiều năm 1995 đã lên tới khoảng 60 tỷ USD vào thời gian tới.

Các doanh nghiệp Mỹ đang cung cấp nhiều mặt hàng tại thị trường Việt Nam như mỹ phẩm, đồ uống, xe cộ, máy bay, phần mềm, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ giáo dục, ứng dụng điện thoại, dịch vụ tài chính và pháp luật, sản phẩm nông nghiệp…

Cũng theo Chủ tịch AmCham, doanh nghiệp Mỹ giữ nguyên quan điểm lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là quan ngại với những đổi thay gần đây trong chính sách và luật lệ, khiến nhà đầu tư e ngại khi mở rộng đầu tư kinh doanh.

Ông Michael Kelly mong muốn Luật Đầu tư có điều khoản rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư yên tâm và giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại diện AmCham cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam vì sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việt Nam hiện là đối tác giao thương lớn nhất của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và là thị trường xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ phát triển nhanh nhất. Dù đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nhưng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của hoạt động giao thương Việt Nam – Mỹ trong suốt 25 năm qua.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Việt Nam 2018 diễn ra trong tháng 9, đại diện Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết với 93 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu phát triển mạnh nhất trong khu vực, Việt Nam là điểm hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ đang có kết quả kinh doanh tích cực và mong muốn mở rộng quy mô, đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Mỹ khác cũng đang tiếp tục sang tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

(Tổng hợp)