Bộ Công Thương vừa tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm hoạt động, trong đó cho biết đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong nửa đầu của năm 2018.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn chiếm đa số với những mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch 22,5 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,45 tỷ USD; hàng dệt may đạt 13,42 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD; giày dép đạt 7,79 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm nông – thủy sản đóng góp 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Sau 6 tháng, nhóm nông – thủy sản đã đem về khoảng 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều mặt hàng trong nhóm này có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD. Ngoài ra, hạt điều ước tăng 17,6%, đạt giá trị 1,41 tỷ USD; gạo ước tăng 44,3%, đạt 1,84 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9%; còn khu vực FDI đạt 80,9 tỷ USD (kể cả dầu thô), tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%, Hàn Quốc tăng 31,8%, ASEAN tăng 17,4%…
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung như Ấn Độ tăng 96,6%, Iraq tăng 27,9%, Ukraina tăng 21,1%, Australia tăng 22,4%, Nga tăng 25,4%…
Điểm nổi bật trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm chính là mức tăng trưởng của xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước. Theo ghi nhận, khối doanh nghiệp này xuất khẩu ước đạt khoảng 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Nếu so sánh với số liệu những năm gần đây, có thể thấy tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước có nhiều kết quả tích cực. Theo đó, năm 2015 xuất khẩu của khối này giảm 2,6%, trong khi năm 2016 chỉ tăng 5,5% và năm 2017 tăng 17,7%.
Với kết quả trên, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 có thể đạt 475-477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng sẽ đạt con số khoảng 240 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017.
Dù có nhiều thách thức lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường, Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng.
Thứ nhất, sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo tăng tích cực xét trên các yếu tố như: nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng mạnh trong quý I, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng khá.
Nhóm hàng điện tử dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý III/2018 và việc dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu.
Thứ hai, theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông – thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.
Thứ ba, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Ngoài ra, đầu tư trong nước có tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
Mặc dù vậy, xuất khẩu dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Một số thách thức đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được nêu ra là cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản; mức thuế chống bán phá giá của Mỹ áp dụng đối với cá tra; chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ; EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước như cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ…
Tuệ Minh