Đã hơn 10 năm nay, chị Hồ Thị Yến đã phải đưa con trai đi truyền máu định kỳ. Cậu bé phải sống nhờ vào máu người khác, đến khi bệnh viện hết máu, chị phải ngược xuôi xin máu cho con. Sự bình yên và hạnh phúc của cả gia đình chị Yến giờ mong manh như mạng sống của bé Giang con trai chị.
Máu con tan, mắt mẹ lệ nhòa
Theo báo Dân Trí đưa tin, cứ hai tuần một lần, chị Hồ Thị Yến (sinh năm 1979, hiện trú tại thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) phải đưa con trai Lương Văn Giang đi các bệnh viện để truyền hai đơn vị máu. Căn bệnh tan máu bẩm sinh là căn nguyên của những chuyến thăm bênh viện định kỳ vất vả, đầy lo lắng ấy.
Chị Yến chia sẻ với Dân Trí, cuộc sống trước đây của gia đình chị không đến nỗi cơ cực. Chị lập gia đình với bố của Giang, anh Lương Văn Hà (sinh năm 1981). Khi ấy, anh chị có 300 gốc cà phê làm vốn. Cả hai làm lụng chăm chỉ nên đủ ăn. Anh chị đón con trai đầu lòng, chính là bé Giang. Niềm vui chưa được tày gang, anh chị phát hiện ra con bị chứng bệnh Tan máu bẩm sinh. Bệnh còn có tên khoa học là Thalassemia.
Căn bệnh này mang đến nhiều vấn đề về sức khỏe cho bé Giang. Hồng cầu của em không được chắc chắn như mọi người. Những tế bào nhỏ bé nhưng quan trọng ấy mất đi cấu trúc một cách tự nhiên, khiến Giang thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu máu. Cơ thể cậu bé vì thế lúc nào cũng xanh xao, đôi mắt đờ đẫn và thường xuyên trong tình trạng “choáng váng”.
Vì máu cứ tan một cách tự nhiên như thế nên Giang phải truyền máu định kỳ. Lượng máu nương nhờ những người khác vừa nuôi dưỡng em, lại vừa làm tổn thương thân thể vốn đã mong manh của cậu bé. Cứ sau 10 đến 20 lần truyền máu, lượng sắt trong cơ thể Giang sẽ trở nên dư thừa. Chúng ứ đọng trong các cơ quan quan trọng như tim, gan và các bộ phận của tuyến nội tiết. Đó là lý do tại sao, một nửa lá lách của Giang bị dập, chỉ một va chạm mạnh có thể vỡ và lấy đi sinh mạng của em.
Đứng trước sự mong manh của con, chị Yến chỉ có thể gắng hết sức để chữa trị cho con. Có bao nhiêu cà phê anh chị đều bán cả để lấy tiền đưa con đi nơi này, nơi kia chữa bệnh. Rồi để gửi tủy của con ở lại bệnh viện những mong tìm được tủy thích hợp để thay cho con, anh chị đã phải bán cả ngôi nhà của mình với giá ít ỏi 80 triệu đồng. Số tiền ấy cũng chỉ giúp gia đình giữ một hy vọng rất mong manh. Bởi có tìm được tủy thích hợp, hai anh chị cũng không biết mình có thể lo số tiền lên đến cả tỷ đồng để phẫu thuật cho con.
Nhìn con yếu ớt, chị Yến hẳn đã rơi nước mắt nhiều lắm, những đêm con sốt li bì, những lần ngất xỉu vì thiếu máu. Nước mắt rơi, nhưng vì tình thương con, chị và anh vẫn chăm chỉ làm việc mỗi ngày. Chỉ có chăm chỉ, họ mới đủ tiền để trang trại cho cuộc sống, cho những lần truyền máu của Giang. Hàng ngày, chị Yến làm nhân viên tại cây xăng thị trấn Đắk Đoa. Còn anh Hà phải lên thành phố Pleiku để làm thuê. Khi đi đánh giày, lúc làm bốc vác.
Giờ nhà cũng không còn, nên gia đình ba người của chị Yến phải ở nhờ nhà kho của cây xăng. Dù mùi xăng hôi nồng lại độc hại nhưng họ không có nhiều lựa chọn. Người khỏe đã khó chịu đựng được mùi xăng nặng nề này, nói gì đến cậu bé Giang đang phải chịu đau đớn, mệt mỏi của bệnh tật. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang vui vẻ đến trường, phần nhiều thời gian của Giang là ở bên cạnh mẹ.
Con muốn được sống, con muốn đi học như các bạn
Giang năm nay đã học lớp 5, nhưng em không được đến trường mỗi ngày. Bởi sức khỏe yếu, chỉ một chút sơ sẩy là có thể mất mạng, nên Giang chỉ thỉnh thoảng mới được đến trường. Chắc chỉ có trong giờ học, Giang mới có được cảm giác mình giống với các bạn. Tuy sức khỏe yếu nhưng cậu bé thông minh và rất ham học. Ngoài cơ hội được ngồi học trong lớp 1 tuần trong 1 tháng, thầy giáo chủ nhiệm của Giang thường lui tới nhà em. Thương đứa học trò nghèo mà sáng dạ lại ham học nên thầy mang sách vở đến kèm thêm cho Giang, hướng dẫn em làm bài. Cuối năm, Giang vẫn có được kết quả học tập rất tốt.
Có lẽ, với Giang giờ ra chơi để lại nhiều nỗi buồn hơn cả. Vì kẹt trong thân thể nhỏ bé, yếu ớt, lại mang một bên lá lách bị dập, có thể vỡ bất kỳ lúc nào, Giang không có cơ hội hòa mình vào những trò chơi, hay thoải mái nô đùa. Vậy nên, những lúc như vậy, Giang chỉ biết lấy việc luyện chữ làm niềm vui.
Khi được hỏi về ước mơ, Giang nói, em chỉ muốn được sống, được đi học như các bạn. Câu trả lời của em nhỏ, yếu nhưng chứa trong đó là niềm khao khát được sống khỏe mạnh, được lớn lên và được học cách trưởng thành. Nhìn Giang, nhìn người mẹ hiền tảo tần của em, nhiều người hẳn sẽ không cầm được nước mắt. Ai đã làm cha, làm mẹ hẳn sẽ đều thấu hiểu những lo lắng, khắc khoải của chị Yến. Bởi cha mẹ nào chẳng muốn được nhìn thấy con cái lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc và có tương lai.
Nguồn ảnh, nguồn video: Dân Trí
Hy Văn