Ngày sinh nhật 12 tuổi của cậu bé, vừa sáng tinh mơ, người mẹ đã kéo con trai ra khỏi chăn. Cậu lẩn tránh bàn tay lạnh cóng của mẹ, muốn nằm cố trên giường một lát, thì nghe thấy mẹ nói: “Con trông đây là cái gì?”.

Cậu hé hé đôi mắt còn ngái ngủ. Mẹ đang giơ lên một chiếc áo mới, kiểu quân phục như cậu từng mơ ước, hai hàng cúc đồng, trên vai áo có ba vạch màu xanh. Đó là mốt quần áo đang thịnh hành trong học sinh. Cậu mừng rơn, vội ra khỏi giường, vệ sinh cá nhân, mặc áo quần, ăn nhanh bát miến mẹ đã chuẩn bị. Cậu muốn đến lớp, đến trường ra oai với các bạn học, rằng cậu cũng có một chiếc áo mới của mình, mà lại là một bộ “mốt” nữa.

Từ nhỏ đến lớn, cậu toàn mặc quần áo cũ của anh, cái nào cũng vá chằng vá đụp. Vậy nên, món quà của mẹ thật vô cùng quý giá!

Quả nhiên đúng như dự đoán, khi cậu bước vào lớp học, đám bạn ngạc nhiên đến nỗi tròn mắt, há miệng mà nhìn. Lũ trẻ đều không ngờ được rằng, đứa bạn lúc nào mặt mày cũng nhem nhuốc, đầu bù tóc rối, cũng có lúc “vẻ vang”, rạng rỡ như thế này.

Cậu hoàn thành tiết học đầu tiên một cách vui vẻ, như mở cờ trong bụng. Giờ giải lao, các bạn ấy đều vây quanh cậu, vạch xem cái áo mới của cậu. Có bạn bỗng hỏi:

– Ô hay! Tại sao khuy áo của bạn không giống của chúng mình nhỉ?

Lúc ấy, cậu mới nhìn kỹ cúc áo của mình, quả thật không giống cúc áo của người khác với hai dãy thẳng đứng, cúc áo của cậu nghiêng lệch, hai dãy xếp thành hình chữ V.

Các bạn lật xem áo của cậu, bỗng đều cười òa lên. Thì ra, chỗ đính khuy trên chiếc áo trắng của cậu là một miếng vải cũ màu vàng. Cậu cũng hiểu ra, chắc là mảnh vải mẹ mua không đủ may áo, đành phải lót bên trong bằng mảnh vải khác, sợ người khác nhìn thấy, cúc áo đành phải đính sang bên cạnh. Và cũng để người khác không nhìn thấy, mẹ đã khéo léo đính chéo hàng cúc kia, tự nhiên thành hình chữ V.

Biết rõ sự thực, các bạn cười òa lên, ánh mắt lại giễu cợt như trước. Những ánh mắt ấy làm cho lửa giận bốc lên ngùn ngụt trong lòng cậu.

Buổi trưa về đến nhà, trước mặt khách đến thăm, cậu cắt nát vụn chiếc áo mới của mình. Mẹ cậu lao đến trước mặt con, giơ cao tay, nhưng cuối cùng không giáng xuống. Cậu liếc nhìn, thấy nước mắt mẹ chảy quanh khóe mắt, cậu vội quay đầu chạy biến…

me-va-con-trai
Ảnh minh họa (nguồn: ĐKN).

Cậu cảm thấy từ hôm ấy trở đi, mẹ hình như biến thành một người khác. Mẹ làm nghề xay đậu phụ, thường ngày mẹ đã rất ít khi ngơi tay, nhưng từ dạo ấy, dường như mẹ chẳng cần nghỉ nữa. Cậu thấy mẹ gầy còm đi vì lam lũ, rồi tận mắt chứng kiến mẹ nằm bẹp trên giường bệnh và ra đi mãi mãi… Hóa ra, mẹ đã mang trọng bệnh, nhưng mẹ chẳng bao giờ nghĩ cho bản thân mình. Mẹ dành bao công sức để dồn tiền mua vải, lại dành bao tâm huyết để may chiếc áo cho cậu. Chút sức lực cuối cùng, mẹ cũng đã vắt cạn để cuộc sống của cậu được đủ đầy hơn. Rồi mẹ ra đi như thế… Điều làm cậu đau đớn nhất là cậu chưa bao giờ nói lời xin lỗi mẹ về hành động xốc nổi của mình.

Cậu bé ôm nỗi ân hận ấy mà lớn lên. May mắn thay, cậu đã học được đức tính kiên cường và cần cù, chịu thương chịu khó của mẹ. Cậu cố gắng học tập, sau này trở thành một người rất thành đạt.

***

Một hôm, cậu bé năm ấy, nay đã thành một người đàn ông lịch lãm, tham gia một buổi trình diễn thời trang. Buổi diễn quy tụ những mẫu thiết kế của các nhà thiết kế thời trang bậc thầy. Khi một người mẫu nam bước lên sàn diễn, mắt người đàn ông bỗng căng lên, đầu óc ong ong – anh sững sờ: Trang phục của người mẫu có hai dãy cúc đồng hình chữ V.

– Bên trong có phải là…?

Anh không làm chủ mình được nữa, lao lên sàn diễn, lật ra xem tấm áo của người mẫu nam, lót bên trong cũng là một mảnh vải vàng!

Anh quỳ sụp trước mặt người mẫu nam, òa khóc thống khổ, đoạn kể lại câu chuyện của mình trong nước mắt. Cả hội trường lặng yên, có lẽ họ đều đang nghĩ về mẹ của mình…

Cuối cùng, một người lên tiếng: “Thực ra, tất cả những người mẹ đều là các nhà thiết kế tuyệt vời!”.

Vũ Phong Tạo (dịch)

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: “Vết sẹo mẹ cào” và câu chuyện cảm động về tình mẫu tử theo suốt cuộc đời con

videoinfo__video3.dkn.tv||fe63f0bec__