Chúng ta thường hay nghe những câu chuyện về việc cha mẹ chăm sóc con ốm đau bệnh tật, nhưng câu chuyện dưới đây lại khá kỳ lạ. Cậu bé này không còn cha, mẹ thì cũng đã bỏ cậu mà đi, người duy nhất ở lại bên cậu bé để hằng ngày chăm sóc cho cậu chính là người ông của cậu.
Theo tờ Beritagar Indonesian, ông Toton đã hơn 80 tuổi và sống ở Pangandaran, phía Tây Java, Indonesia. Ông đã tự mình chăm sóc cháu trai trong 17 năm sau khi bố cháu qua đời và mẹ cháu cũng bỏ nhà đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Syifa là cháu trai của ông Toton, cậu bé bị ốm do một nguyên nhân rất hiếm gặp. Cơ thể em trở nên suy kiệt, tới mức chỉ còn da và xương. Em không thể bước đi hay nói chuyện, và phải nằm liệt giường suốt đời.
Bố của Syifa đã mất khi em mới được 5 tháng, và mẹ em đã bỏ lại em cho vợ chồng ông Toton chăm sóc. Mẹ em vì hạnh phúc cá nhân mà bỏ mặc con trai mình, điều đó khiến em và ông bà rất buồn. Kể từ đó, vợ chồng ông Toton đã cùng nhau nuôi nấng cháu trai, nhưng sau đó vợ ông cũng qua đời, một mình ông ở lại tiếp tục con đường nhiều sóng gió…
Ông Toton nói chừng nào ông còn sống ông vẫn sẽ chăm sóc Syifa. Thế nhưng điều đó không dễ dàng gì với điều kiện tài chính hiện tại của ông. Mặc dù là một quân nhân nghỉ hưu, ông chưa khi nào nhận được một đồng trợ cấp và phải làm việc quần quật ở trang trại để nuôi sống cả hai ông cháu.
Khó khăn là thế, ông Toton không bao giờ than phiền, và cũng không bỏ rơi cháu trai.
Theo tờ Swara Pangadaran, ngay sau khi thông tin về cảnh ngộ của ông cháu lan truyền trên mạng xã hội, chính phủ Indonesia đã ra tay trợ giúp, và Syifa đã nhận được những điều trị về y tế.
Tuy nhiên, em đã chết tại bệnh viện do căn bệnh của em quá trầm trọng mà không được vào viện kịp thời trong suốt 17 năm.
Khi thi hài của Syifa được chuyển về nhà ông Toton, nhiều quan chức đã đến để tỏ lòng kính trọng và ngỏ lời chia buồn. Syifa được chôn trong một nghĩa trang công cộng tại làng mình, và nhiều cán bộ cấp cao đã đến đưa tiễn Syifa trong chuyến đi cuối cùng của em.
Trên thế giới có nhiều người rất giàu có, trong khi đó cũng có nhiều người khác phải vật lộn chỉ để kiếm được một miếng bánh mì.
Thật đáng buồn là Syifa và ông đã phải vật lộn suốt cuộc đời, và chỉ nhận được sự giúp đỡ khi đã quá muộn. Những sự kiện bi thảm như vậy xảy ra khiến chúng ta phải suy ngẫm về những thông điệp của cuộc sống. Liệu có phải đôi khi chúng ta quá bàng quan với những số phận bất hạnh, khổ cực xung quanh mà quên không trao tặng họ sự giúp đỡ dù là đơn giản nhất?
Nguồn ảnh: NTD
Xuân Dung
Xem thêm: