Chúng ta thường coi những người vô gia cư là những người “thừa” trong xã hội, những con người không làm gì, cả ngày ngồi trong những góc khuất của thành phố, ngửa tay xin tiền. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Câu chuyện nhỏ dưới đây có lẽ sẽ cho chúng ta một cảm nhận khác về những con người phải coi góc phố là nhà, thùng carton là chăn nệm này.
Câu chuyện này diễn ra ở một thành phố nhỏ nằm tại phía bắc thủ đô London, Anh Quốc. Anh Jay Jay Murray, một thợ lợp mái thuộc công ty Empire UPVC & Roofing Specialists cùng những người đồng nghiệp của mình đã có một trải nghiệm thật đáng nhớ với một người đàn ông vô gia cư. Anh đã chia sẻ câu chuyện xúc động này trên trang Facebook cá nhân.
Hôm đó, Jay Jay và các đồng nghiệp chuẩn bị thi công một công trình và họ cần sự trợ giúp. Đội của anh đã tìm được một người đàn ông vô gia cư đang nằm co ro trên một băng ghế trong công viên phía cuối đường và họ quyết định nhờ tới sự giúp đỡ của người đàn ông này.
“Chúng tôi đã mang tới cho ông ấy một ly trà nóng vào buổi sáng và hỏi rằng ông ấy có thể đến trợ giúp chúng tôi một tay vào sáng ngày hôm sau được không?”
Không ngoài dự đoán John – người đàn ông vô gia cư đồng ý ngay lời mời của những người trong đội thợ. Nhưng phản ứng của ông ấy vào ngày hôm sau mới thực sự khiến cả đội bất ngờ.
“Vào sáng hôm sau, ông ấy là người có mặt đầu tiên tại công trường. Và trong suốt quá trình, ông ấy làm việc một cách hăng say, không ngừng nghỉ”.
Trái với hình ảnh vật vờ của những người vô gia cư có lẽ thường xuyên phải chịu đói khát, ông John làm việc với một sự hoạt bát và đặc biệt là với tâm trạng rất vui vẻ.
Sự nhiệt tình và thái độ làm việc tự nguyện của ông đã khiến mọi người đều thấy vui và không kém phần xúc động. Họ không hề nghĩ tới việc sẽ được chứng kiến một tinh thần làm việc đáng quý như vậy từ một người đàn ông lang thang. Nụ cười trên khuôn mặt hiền lành của John bộc lộ rõ sự háo hức và niềm vui khi được làm việc bằng đôi tay của chính mình.
Đội thợ cũng rất chu đáo với John, họ đã mời John một bữa trưa với đồ ăn mua từ Buger King, với bánh kẹp và nước, vì ai cũng hiểu một buổi sáng làm việc hết mình sẽ tiêu tốn năng lượng thế nào. John đã lặng lẽ tận hưởng bữa trưa của mình ngay trên bãi cỏ. Không ai biết trong bữa ăn đặc biệt ấy ông đã nghĩ gì, rất có thể, ông đang ăn và nhìn ngắm thành quả lao động của một buổi sáng chăm chỉ.
“Ông ấy đã nói rằng chúng tôi chỉ cần đưa 15 bảng anh là đủ, bởi số tiền này đủ để ông ấy sống qua một tuần. Nhưng anh em trong đội đã bàn bạc và quyết định gửi cho John 70 bảng vào lúc 1 giờ chiều, chúng tôi cũng hỏi liệu ông ấy có thể quay lại”, Jay Jy viết.
Theo lời tường thuật của Jay, lúc ấy, ông John đã làm mọi người trong đội rất xúc động bằng lời cảm ơn rất chân thành, ông nói với những người đã cho ông cơ hội làm việc ngày hôm đó:
“Cảm ơn các anh em, đây thực sự là ân tình lớn nhất mà tôi từng được nhận”.
Sự biết ơn của người đàn ông không nhà cửa này đã giúp Jay Jay và những người đồng nghiệp của anh có cái nhìn thật khác với những người vô gia cư. Nhờ John, họ biết được rằng, chí ít không phải tất cả những người trong hoàn cảnh của ông hiện tại đều là những người lười nhác, không muốn lao động. Điều mà những con người bất hạnh này thiếu không phải là tình yêu với công việc hay sự sẵn sàng chịu vất vả, mà là cơ hội – cơ hội để được lao động và trở nên có ích.
“Hãy cố lên John, chắc chắn sẽ có những điều tốt lành ở sau những khúc rẽ. Sẽ không có con người nào sẵn sàng lao động lại phải sống mãi nơi đường phố”, Jay Jay viết lại lời cầu chúc của mình cho John.
Câu chuyện sau đó được chia sẻ trên Facebook đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Không ít người bày tỏ sự cảm thông với những người vô gia cư và đồng ý rằng, nhiều người trong số họ đã gặp phải những tình huống ngoài tầm kiểm soát, nên bị đẩy tới bước đường cùng, chứ không phải là họ không muốn làm việc để trang trải cho cuộc sống”.
Câu chuyện của Jay Jay và John không giật gân, những bức ảnh cũng thật giản dị, vậy sao nó lại có sức lan tỏa tới vậy? Phải chăng rất nhiều người đã nhận ra được trong ấy những điều thật đẹp đẽ của con người: Tình yêu với lao động và sự cảm thông mà chúng ta có thể dành cho nhau.
Nụ cười của John khi được làm việc có khiến cho bạn nhớ tới cảm giác lần đầu tiên được đi làm, hay giây phút cầm trên tay tháng lương đầu tiên. Cảm giác mình có thể tự trang trải cuộc sống cho chính mình hẳn là một niềm hạnh phúc chín chắn và thật ngọt ngào.
Chắc chắn, chúng ta cũng sẽ gửi lời cảm ơn tới Jay Jay và những người đồng nghiệp của anh. Đôi mắt biết quan tâm, tấm lòng rộng mở, không phán xét, và rất biết trân trọng người khác của họ, đã giúp John nhìn thấy ánh sáng hy vọng trong cuộc sống của chính mình.
Hơn thế nữa, họ cũng giúp chúng ta ghi nhớ một điều thật quan trọng: Đối với những người yếu đuối trong xã hội, họ không cần thêm sự ghẻ lạnh hay tệ hơn là những lời châm biếm và kì thị, điều họ thực sự cần là một bàn tay sẵn sàng cho họ nắm vào để đứng lên và đi tiếp.
Hãy cùng cầu chúc cho John sớm tìm được môt công việc, bởi chắc chắn rằng khi có được may mắn ấy, ông sẽ trân quý công việc của mình như cách mà những người Anh trân quý những ngày nắng ấm.
Ảnh: The Sun
Hy Văn