Suốt 3 năm nay, cứ 3h30′ sáng (từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần), vợ chồng ông Dũng bà Hồng lại thức dậy sớm để nấu cơm và chế biến các món ăn chay cho kịp giờ giao những hộp cơm từ thiện nóng hổi đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn.
“Kiếm tiền nhiều rồi cũng chẳng được gì, hay mình nấu đồ ăn từ thiện?”
Chồng làm thợ cắt tóc, vợ bán nước giải khát ở ven đường. Công việc mưu sinh vất vả nhưng ông Hồ Văn Dũng, 59 tuổi và bà Nguyễn Thị Hồng, 57 tuổi (ở ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) vẫn dành thời gian sáng sớm mỗi ngày để tự tay nấu khoảng 100 phần cơm chay từ thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Thạnh.
7 năm trước, vợ chồng ông Dũng mất đi người con trai vì tai nạn. Kể từ đó, ông bà thường xuyên tụng kinh, ăn chay. Một lần ông nói với bà: “Giờ mình già rồi, con cái cũng lớn, làm kiếm tiền nhiều rồi cũng chẳng được gì, hay mình nấu đồ ăn từ thiện?”. Thấy chồng thay đổi, bà đồng ý nhưng lòng vẫn nghi ngại. Bà Hồng cho biết trên báo VnExpress, “Trước đây tính tình ổng khó lắm, chưa bao giờ tui nghĩ ông muốn làm từ thiện”.
Những ngày đầu, ông Dũng nấu cháo chay, một mình làm hết mọi việc. Thấy chồng quyết tâm, bà xắn tay phụ ông làm. Mỗi sáng họ nấu khoảng 30 suất, một thời gian nghe bà con nói cháo ăn hoài ngán quá, nên chuyển sang nấu cơm chay.
Sáng nào cũng vậy, 3h30′ đồng hồ báo thức reo, ông Dũng bật dậy, đong 40 lon gạo vo sạch, cho vào 4 cái nồi lớn. Đúng 4h, hai chiếc bếp nhà ông Dũng đỏ lửa. Vợ ông thức dậy, bắt tay vào nấu thêm bốn món chay nữa. Tất cả nguyên liệu đều được chuẩn bị từ tối hôm trước, đủ cho 100 phần cơm chay, để lát nữa ông Dũng đem tặng bà con khó khăn trong xã.
Từ chỗ không quen bếp núc, nay ông Dũng đã có thể phụ vợ làm mọi thứ, thái, xào đủ cả. Bà Hồng cười: “Hai nồi cơm nấu ga là ổng canh không đó, nấu bếp ga nồi lớn vậy tui không nấu được”.
5h30’, ông khệ nệ bưng 4 nồi cơm lớn, 5 nồi thức ăn chay từ trong bếp ra sân, hai vợ chồng bắt đầu chia cơm vào hộp.
“Nhanh lên ông, tới giờ rồi đó”, miệng nói, tay làm, bà Hồng múc nốt phần cơm cuối cùng, rồi lấy bịch ni lông lớn xếp cơm vào. Ông Dũng xếp những bịch nước chan, miệng lẩm nhẩm đếm xem liệu có thiếu không. “Ngày mới cột mấy bịch này, tui làm nó xẹp lép xấu lắm, giờ đỡ hơn rồi”, ông cười.
Ra đến chợ, ông đặt trước cửa nhà người quen, hay trước những sạp rau, để những người bán vé số, lao công, quét đường… đến lấy. Còn dư khoảng 10 hộp, ông chạy xe vào trong xóm tặng những cụ già. Ông kể: “Hôm nay ngoài chùa người ta nghỉ châm cứu, nên mới dư ra chục hộp này, chứ ngày thường người ta đi châm cứu chữa bệnh, toàn ăn cơm tui nấu”.
Về đến nhà, vợ ông đã chạy xe ra quán nước tranh thủ dọn hàng, ông Dũng mới ngồi vào ăn bữa sáng, là ít cơm cháy với đậu bắp còn dư lại.
Ông Dũng bộc bạch với Báo Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tiền cắt tóc của ông được 200.000 đồng. Ông dùng tiền đó mua thêm rau, củ để nấu cơm từ thiện. Còn thu nhập của bà Hồng từ tiền bán quán nước nhỏ ven đường thì phụ mua gia vị.
Lâu dần, hàng xóm và các tiểu thương ở chợ biết đến, mỗi người góp ký gạo, mớ rau nên số phần cơm tăng lên, giờ là 100 suất mỗi ngày. Hôm nào thiếu gạo, ông Dũng mua thêm bánh mì về lát mỏng, chiên bột. Ông Dũng nói: “Làm sao cho đủ khoảng 100 phần, chứ ngày nào thiếu tui lại buồn”.
Làm việc thiện mệt nhưng vui
Dù phải thức khuya (để sơ chế thực phẩm), dậy sớm (để nấu ăn) nhưng vợ chồng bà Hồng, ông Dũng vẫn luôn vui vẻ khi thấy những người nghèo, những bệnh nhân ăn phần cơm nóng hổi do mình chuẩn bị. Ông Dũng nói: “Thức khuya, dậy sớm làm cũng mệt, nhưng giao cơm xong là tui thấy khỏe re”. Chia sẻ phần nào khó khăn với người bệnh, đó là động lực giúp cho ông bà duy trì hoạt động của bếp ăn từ thiện suốt nhiều năm qua.
Từ ngày nấu cơm từ thiện, ông Dũng ít đi chơi với bạn bè, tiệc tùng như trước, ông kể: “Đám tiệc chỉ uống 1-2 ly bia rồi về thôi, ngủ sớm lấy sức sáng còn nấu cơm nữa”.
5h chiều, nhắm chừng hết khách, ông Dũng quét dọn nhà cửa. Bà Hồng trên đường về ghé vào chợ xem hôm nay có ai ủng hộ gì không và mua thêm nguyên liệu để nấu cơm ngày mai. Sơ chế xong cũng đến 10h đêm, ông bà mới lục tục đi ngủ. Ông Dũng nói: “Người ta rảnh thì nghỉ ngơi, đi chơi, sáng thì tập thể dục, vợ chồng tui nấu cơm như này coi như tập thể dục luôn mà lại giúp được bà con”.
Bà Bùi Thị Hồng, hàng xóm của ông Dũng nhận định: “Ở xã chỉ có duy nhất vợ chồng ông Dũng là kiên trì với bếp cơm này. Dù bây giờ đã được nhiều người ủng hộ thêm, nhưng ý tưởng và công sức 2 vợ chồng bỏ ra mới đáng quý”.
Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 412: Ăn ở thiện lương, rộng đường phúc đức