Mỗi người chúng ta ai cũng đã từng là một đứa trẻ, từng vô tư, nghịch ngợm vui đùa. Ngày ngày cùng đám bạn trong xóm tíu tít theo con quay gỗ đang quay tít hay những bước nhảy lò cò dễ mà thật vui… Tất cả như một bức tranh ký ức tuổi thơ đầy sinh động…

Thế nhưng trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại hình ảnh của những trò chơi dân gian năm nào giờ đây gần như đã không còn nữa. Gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống, hãy cùng nhau quay ngược dòng thời gian, tìm về ký ức của một thời thơ tuổi thơ đáng nhớ. 

Một điều đặc biệt, các trò chơi dân gian thường được chơi cùng những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Đấy là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần một cách thoải mái, có thể ngắn dài bất kỳ hoặc lặp đi lặp lại không dứt.

Hơn thế, với các trò chơi dân gian, trẻ thơ không bao giờ phải chơi một mình. Hầu hết các trò chơi đều là những trò chơi tập thể, càng đông người tham gia, cuộc chơi càng thêm phần thú vị. 

Oẳn tù tì

Ảnh minh họa: vietbao.

Trò chơi đáng yêu này có lẽ bất cứ ai cũng đã từng chơi rất nhiều lần. Người chơi giấu tay ra sau, tất cả cùng hô “Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này” khi đó, người chơi đồng loạt xòe tay ra trước mặt với lựa chọn là Kéo, Búa hoặc Bao (nắm đấm là Búa, hai ngón tay trỏ và giữa là Kéo và xoè cả 5 ngón tay sẽ là Bao). Quy luật là Búa sẽ thắng Kéo, Kéo thắng Bao và Bao thắng Búa.

Nu na nu nống

Ảnh minh họa: Afamily.

Những người chơi ngồi xếp hàng bên nhau, duỗi thẳng chân ra. Một người trong hàng sẽ đập nhẹ vào từng chân theo nhịp bài hát “Nu na nu nống và theo thứ tự chân từ đầu đến cuối. Khi từ cuối cùng của bài hát vang lên, người chơi trong hàng phải rụt nhanh chân lại không để tay của người đập chạm vào. Ai bị chạm vào chân sẽ bị loại hoặc bị phạt tùy theo quy luật do người chơi đặt ra.

Ô ăn quan

Ảnh minh họa: giadinh.

Đây là một trò chơi trí tuệ, trước đây hầu như trẻ em nào cũng từng ít nhất một lần chơi qua trò chơi này. Chỉ cần một viên phấn, một vài viên sỏi là trẻ đã có một trò để cùng nhau suy nghĩ.

Bàn chơi được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai đầu hình chữ nhật kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan.

Từng người chơi khi đến lượt của mình sẽ tính toán làm sao để có thể ăn được càng nhiều dân và quan hơn đối phương càng tốt. Kết thúc trò chơi, nếu bạn nào có nhiều quân sẽ giành chiến thắng.

Đánh quay, chơi bắn bi

Đánh quay, chơi bắn bi là những trò thường chỉ dành cho các bé trai. Đặc điểm chung của hai trò này là cần ít nhất hai người chơi và không hạn chế số người chơi. Nếu số người chơi đông sẽ chia làm các nhóm khác nhau để đấu với nhau.

Ảnh minh họa: quehuongonline.

Chơi quay: Đồ chơi là con quay bằng gỗ hay sừng hình nón, có chân bằng sắt. Dùng một sợi dây, quấn từ dưới lên trên rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất, người đó sẽ thắng. Có thể dùng một con quay khác bổ vào con quay đang quay mà nó vẫn quay thì người chủ của con quay đó được nhất.

Chơi bắn bi: Những viên bi ve nhỏ nhắn xinh xinh từng một thời là trò chơi không đứa trẻ nào có thể cưỡng lại được sau mỗi giờ tan học hoặc ra chơi.

Ảnh minh họa: Zing.

Trò chơi này yêu cầu phải có một khoảng đất trống tương đối bằng phẳng, càng đông càng hấp dẫn. Người chơi phải gạch hai mức song song nhau với khoảng cách từ 2m trở lên, tùy theo sân chật hay rộng và người chơi ít hay nhiều. Trước khi chơi trò chơi này cũng bắt buộc chơi trò “oẳn tù tì” để xác định quyền ai được ưu tiên đi sau.

Những người chơi đứng ở vạch thứ nhất bắn bi bằng ngón tay hay có thể cầm trong lòng bàn tay để thảy bi của mình. Mục đích là làm sao cho viên bi của mình gần nhất với vạch thứ hai. Bi ai gần nhất thì người đó có quyền bắn những viên bi khác. Thông thường người chơi đặt ngón tay cái xuống đất và bắn bi bằng ngón giữa hay ngón trỏ, tùy theo ai thuận tay nào thì bắn bằng tay đó, không bắt buộc.

Banh đũa (chơi chuyền)

Ảnh minh họa: phunutoday.

Bạn cần có từ 10-20 chiếc đũa, một quả banh nỉ (banh lông), một mặt sân bằng phẳng và tụi bạn là có thể chơi trò này rồi. Người chơi ném trái banh lên cao, lần lượt bắt lấy 1 chiếc đũa, 2 chiếc đũa và thực hiện những động tác xoay tay, đập đũa, phối hợp nhịp nhàng với banh. Ai chơi hết các vòng đầu tiên sẽ giành chiến thắng. Nhưng tùy vùng miền mà quy luật có thể khác nhau.

Ảnh minh họa: vietnamtourism.

Banh đũa không chỉ là trò chơi dành riêng cho các bé gái mà các bé trai cũng rất hào hứng với trò chơi này.

Tạt (ném) lon

Ảnh minh họa: uyenwendy.

Ai từng chơi trò này chắc hẳn sẽ không quên cảm giác vui sướng khi “tạt” trúng chiếc lon. Chỉ với một chiếc lon từ hộp sữa, lon nước ngọt, lon bia, vài chiếc dép và một vài người bạn trong xóm, trong lớp là bạn đã có thể bắt đầu chơi. Trước khi chơi, mọi người sẽ oẳn tù tì với nhau, ai thua thì người đó sẽ là người “nhặt lon”.

Những người còn lại mỗi người cầm một chiếc dép, sau đó sẽ tiến hành tạt dép với một mức đã định trước. Người chơi phải tạt đổ lon, sau đó chạy nhanh lên nhặt dép rồi chạy về điểm xuất phát. Người đứng nhặt lon phải chạy thật nhanh nhặt lon để vào vòng rồi chạy bắt các bạn. Nếu bắt được một bạn thì đổi chỗ, bạn bị bắt phải ra nhặt lon. Trò chơi tiếp tục xoay vòng như thế.

Chi chi chành chành

Ảnh minh họa: tindachieu.

Đây là trò chơi rất quen thuộc cũng rất thú vị đối với các bé. Một bé ngồi xoè bàn tay ra, các bạn đứng xung quanh và cùng đặt một ngón trỏ vào lòng bàn tay bé đó, tất cả đồng thanh đọc bài ca dao “chi chi chành chành”: “Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, ba vương ngũ đế bắt dế đi tìm, ù à ù… ập“. Khi đọc đến “ập”, bé đó nắm chặt bàn tay lại, các bạn khác phải rút thật nhanh ngón tay của mình ra, nếu không sẽ bị bắt lại.

Trốn tìm

Ảnh minh họa: soha.

Trẻ em dù ở thành thị hay thôn quê chắc chắn đều đã từng chơi qua trò này. Một người sẽ bịt mắt, vừa đứng xoay mặt vào cột hoặc tường vừa đếm đến một con số đã được quyết định trước. Người trốn sẽ đi tìm nơi nào kín đáo trốn vào.

Ảnh minh họa: trochoidangianvietnam.

Sau khi đếm xong, người đếm sẽ đi tìm cho được người trốn đồng thời giữ vị trí cột mình đứng sao cho người trốn không chạy ra vỗ tay vào cột. Nếu để người trốn vỗ vào, người đếm phải đếm lại vòng khác.

Đánh sỏi (thảy đá, chơi chắt, rải gianh)

Ảnh minh họa: growsureenhanced.

Là trò chơi yêu thích của hầu hết các bé gái. Luật chơi của trò này không quá khó. Dụng cụ cần thiết là năm viên đá có hình dáng tương đối tròn, không quá to, cũng không quá nhỏ. Người chơi trước sẽ thảy một viên đá lên, chụp nhanh một viên khác phía dưới sao cho không chạm tay vào các viên xung quanh và bắt được viên đang rơi xuống.

Cứ lần lượt cho đến bốn trong số năm viên đá. Nếu không chụp kịp hay chạm vào các viên đá xung quanh, người chơi sẽ nhường phần chơi cho người kế tiếp. Để chơi trò này đòi hỏi sự linh hoạt của đôi bàn tay.

Nhảy lò cò (cò chẹp)

Ảnh minh họa: baoquangnam.

Người chơi sẽ chọn một khoảng sân rộng rãi, kẻ một hình chữ nhật, sau đó chia hình ra thành 7-10 ô tuỳ theo sở thích chơi của từng nhóm. Mỗi người chơi sẽ chọn cho mình một chiếc dép hoặc một viên gạch vuông vừa tầm tay, sau đó sẽ tiến hành oẳn tù tì hay thi nhau ném dép, ném gạch để xem ai là người đi trước.

Người chơi đá thảy vào ô đầu tiên, không cho chạm vào nét kẻ hoặc ra ngoài, nhảy đi qua khắp các ô, bỏ qua ô có gạch. Người chơi nhảy một chân vào ô đơn và giữ thăng bằng để bật đi tiếp. Không dừng lại quá lâu, tới hai ô sát nhau nhảy dang hai chân đứng trong hai ô. Vòng về đứng ở ô gần ô có gạch nhất, cúi lấy tay lượm gạch, nhảy ra khỏi vòng và nhảy mức tiếp theo. Khi đang di chuyển mà phạm quy, người chơi phải dừng lại, để gạch nằm lại trong ô ở mức vừa hoàn tất.

Trồng nụ trồng hoa (lên nụ xòe hoa)

Ảnh minh họa: vietnammoi.

Đây từng là trò chơi mà chỉ cần đến giờ ra chơi, cả sân trường đâu đâu cũng thấy các bạn đang chơi. Luật chơi là hai bé ngồi đối diện nhau, hai chân duỗi thẳng chạm vào bàn chân của nhau, bàn chân của bé này chồng lên bàn chân bé kia (bàn chân dựng đứng). Các bé khác nhảy qua rồi lại nhảy về.

Sau đó một bé lại chồng một nắm tay lên ngón chân của bé kia làm nụ. Các bé lúc trước lại nhảy qua, nhảy về. Rồi bạn đối diện bạn làm nụ sẽ dựng đứng tiếp một bàn tay lên trên bàn tay nụ để làm hoa. Các bé lại nhảy qua, nếu chạm vào nụ hoặc hoa thì mất lượt phải ngồi thay cho một trong hai bé đang ngồi.

Rồng rắn lên mây

Ảnh minh họa: Zing.

Không giới hạn người chơi và đòi hỏi người chơi phải chạy hết công xuất, có tinh thần tập thể cao. Một trẻ làm thầy thuốc đứng hay chủ nhà, những người còn lại sắp hàng dài, người đứng sau sẽ nắm lấy vạt áo hay ôm eo người đứng trước, vừa đi vừa đọc đồng dao: “Rồng rắn lên mây có cái cây lúc lắc, có cái nhà điểm binh, có ông chủ ở nhà không?“. Sau đó các bạn sẽ dừng lại trước nhà thầy thuốc và hỏi xem thầy chọn khúc nào? Sau khi chọn được khúc ưng ý sẽ là lúc thầy thuốc tìm mọi cách để bắt được người đang đứng ở khúc ấy. Nhiệm vụ của người đứng đầu là dang tay không cho thầy thuốc bắt được. Nếu bạn nào bị bắt sẽ bị loại.

***

Các trò chơi dân gian thường giản tiện, không cầu kỳ, không tốn kém nên có thể chơi mọi lúc, mọi nơi. Dụng cụ để chơi cũng dễ kiếm, dễ làm. Chủ yếu, trẻ chỉ cần nhặt lấy những thứ từ trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi.

Ảnh minh họa: Pinterest.

Khác với những trò giải trí ngày nay, trò chơi xưa cho con trẻ được tự do vận động, tự do chạy nhảy vui đùa. Không chỉ có vậy, các trò chơi như bắn bi, chơi quay, chơi truyền cho trẻ em cơ hội rèn luyện sự tập trung, nhanh tay, nhanh mắt. 

Quan trọng nhất, ngày xưa con trẻ chơi là chơi cùng với nhau. Niềm vui đến từ sự sẻ chia: Sẻ chia những buổi trưa trốn ngủ, những buổi chiều thảnh thơi và sẻ chia cả những nụ cười. 

Ảnh minh họa: tinhte.

Thế giới của trẻ thơ tưởng như bé xíu, nhưng trong những trò chơi, thế giới của những đứa trẻ kết nối với nhau, để rồi khi chơi, tất cả chúng đều được ở trong không gian của niềm vui hồn nhiên và vô tư. Phải chăng vì thế, những trò chơi giản dị ấy vẫn luôn là một miền ký ức tuổi thơ với bao cảm xúc tươi đẹp của không ít các thế hệ người Việt?

Tâm Liên

Video xem thêm: Trung Thu của những thiên thần bé nhỏ… trong ngục tù: Vầng trăng nào dành cho các em?

videoinfo__video3.dkn.tv||b23fa5b15__