Lên 6 tuổi, tôi vẫn chẳng biết Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày tháng nào. Chỉ biết rằng đó là nỗi mong chờ lớn nhất trong năm của những đứa trẻ ở vùng quê nghèo ven biển chúng tôi. Có khi còn háo hức hơn cả Tết Nguyên Đán, bởi Tết là dành cho tất cả mọi người, còn Trung Thu là của riêng lũ trẻ.
Có lẽ dù là ngày xưa hay ngày nay thì Trăng rằm vẫn tròn và sáng như vậy cả, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà tôi luôn cảm thấy yêu ánh trăng tuổi thơ hơn hết thảy. Với tôi, mặt trăng hồi ấy đẹp lắm, ánh lên dòng sông nhỏ trước nhà, sáng cả khóm tre già đong đưa trước ngõ và con đường làng đầy bụi đất. Đã thế thi thoảng còn nghe được cả hương cúc, hương bưởi bay bay trong làn gió nhẹ, mát lành và dễ chịu vô cùng.
Mặc dù lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ con ham chơi, nhưng những ký ức khi ấy đẹp đến nỗi chẳng cần cảm nhận gì nó cũng tự động lưu vào tâm trí, như những thước phim, để rồi, trong một khoảnh khắc bất chợt, chúng lại ùa về như mây tuôn nước chảy.
Thực ra, tết trung thu khi xưa không có nhiều trò chơi hiện đại, cũng không có bánh trung thu ngon và nhiều hương vị giống bây giờ nhưng ở đó có hình ảnh cha cần mẫn đi tìm những hạt bưởi phơi khô rồi xâu lại thành chuỗi treo lên góc bếp từ nửa tháng trước rằm. Đến hôm Trung thu, cha sẽ chia cho mỗi đứa một xâu. Tiếng hạt bưởi cháy lách tách vui tai quyện với mùi thơm hương bưởi có lẽ là niềm mong mỏi lớn nhất của tuổi thơ.
Ở đó có cả hình ảnh mẹ vừa sáng sớm đã ra vườn hái những quả bưởi còn lại được để dành từ đầu mùa trên cây bưởi đào sau nhà để làm cỗ. Ngày ấy dù gia đình tôi rất nghèo nhưng hoa quả trong vườn thì chẳng bao giờ thiếu nên bữa tiệc vẫn thịnh soạn và tươm tất lắm. Đến khi trăng lên, chị em tôi sẽ mang những chiến lợi phẩm ấy ra sân nhà trẻ để cùng phá cỗ với mấy đứa bạn trong xóm.
Rồi chúng tôi bắt đầu khoe với nhau những chiếc đèn tự chế từ nửa tháng trước. Nào là đèn làm từ hộp đựng xà phòng, hộp đựng sữa, vỏ lon nước ngọt… Phải nhà đứa nào giàu lắm mới mua được chiếc đèn ông sao bọc giấy kiếng đủ màu xanh đỏ, còn nếu tự làm thì thể nào cái đèn cũng méo mó xuệch xoạc chẳng ra hình thù gì. Thế nhưng, dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ và qua ánh nến ẩn hiện lập lòe, nhìn mặt đứa nào cũng rạng rỡ như chưa bao giờ được vui như thế. Giống nhà thơ Xuân Diệu từng nói: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
***
Trung Thu bây giờ thay đổi nhiều quá. Nhà cao tầng che mất ánh trăng, tiếng lũ trẻ nô đùa, phá cỗ cũng dần thưa thớt. Những chiếc đèn thủ công đã bị thay thế bởi đồ chơi công nghệ và những loại đèn phát sáng đủ màu sắc. Không khí vẫn náo nhiệt, thậm chí còn ần ào, nhộn nhịp hơn cả khi xưa, nhưng dường như lũ trẻ thì lãnh đạm đi nhiều.
Đâu ai muốn một trung thu thiếu vắng niềm háo hức? Làm sao trách trẻ con chê bánh trung thu khi mà bánh ở khắp nơi, chưa đến rằm trong nhà đã có vài ba hộp. Làm sao trách được chúng chỉ thích thú với những trò chơi điện tử khi mà cả tuổi thơ chưa từng được biết đến cảm giác phá cỗ, rước đèn.
Trung Thu mỗi năm có một lần mà từ bao giờ nó lại buồn đến thế? Phải chăng là vì ánh trăng đang mải trốn sau những toà nhà cao tít nên chị Hằng, chú Cuội không đến được?
Bạn đang đọc bài viết: “Trung thu xưa một miền ký ức, dưới ánh trăng mờ tỏ là những khuôn mặt háo hức lạ kỳ…“ tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |