Sẽ không quá khi so sánh rằng, Đấng tạo hóa đã lấy một phần sự “bao dung vô hạn” của mình để tạo nên trái tim người mẹ. Mang chứa sự nhân hậu và vị tha ấy, trái tim của mẹ có thể tạo ra tình thương yêu không chỉ cho những đứa trẻ mà mẹ dứt ruột sinh ra mà còn dành cho cả những sinh mệnh may mắn được mẹ nhận làm “con” của mình.
Câu chuyện nhỏ được kể dưới đây ở một xóm trọ nghèo, nằm khiêm tốn giữa thủ đô hiện đại sẽ đưa bạn về với những ngày thơ ấu ấm êm, dịu dàng trong vòng tay của mẹ, của cha.
Cách đây nhiều năm, vợ chồng chị Phương gặp nhau, thương nhau rồi cùng nhau xây dựng một gia đình. Khi ấy, cả hai còn rất nghèo, nên anh đồng ý về nhà bố mẹ chị trên Hà Nội, tìm cách làm ăn, với hy vọng, sự chăm chỉ sẽ giúp họ có thể tạo nên tổ ấm của mình.
Họ sống bên nhau êm ấm, trong sự đùm bọc của cha mẹ chị Phương, những người cũng ở cái cảnh nghèo. Họ cũng chỉ có thể dành cho con duy nhất là tấm lòng thương yêu. Thế rồi, năm tháng trôi qua, vợ chồng chị Phương vừa chăm chỉ làm ăn, vừa trông ngóng những đứa trẻ của mình. Nhưng, nỗi buồn và thất vọng của họ cứ lớn dần lên theo thời gian; hy vọng có thêm tiếng nói cười trong ngôi nhà cũng ngày càng trở nên mong manh.
Cho đến một ngày, người hàng xóm hớt hải chạy sang nhà chị, gọi to từ đầu ngõ, kêu chị Phương lên ngay công an phường vì trên đó người ta đang giữ một cháu bé bị bỏ rơi. Mẹ con bé thuê taxi đi đến gần xóm nhỏ của họ, để con trên xe, nói rằng vào nhà lấy tiền trả rồi mất hút. Người lái xe chờ cả nửa ngày trời không thấy mẹ con bé quay lại, nên cuống quýt mang con bé lên gửi trên đồn.
Chỉ kịp nghe tới đó, chị Phương đã tức tốc chạy đi, tiếng lòng của người làm mẹ đang nói với chị rằng, rất có thể đây là đứa trẻ mà chị đã tha thiết cầu mong. Lên đến nơi, không kịp dựng xe, chị chạy ngay vào nơi có tiếng trẻ con khóc la ầm ĩ. Chị vẫn còn nhớ như in hình ảnh khi ấy, mọi người xúm xít xung quanh một đứa trẻ nhỏ xíu, nhăn nheo, làn da đen nhẻm. Ai cũng đang cố tìm cách làm cho đứa trẻ nín khóc nhưng không được.
Chị Phương xin làm thủ tục xin nhận con ngay ngày hôm ấy, và lời thỉnh cầu của chị được chấp thuận. Mừng mừng, tủi tủi, chị Phương bồng bế con về. Nhờ bà con chòm xóm mách nước, chị Phương thắp hương xin với ông bà tổ tiên cho nhận bé làm con nuôi, đêm đó, con bé say ngủ không còn khóc nữa. Cũng từ đêm đó, bé con bị mẹ bỏ lại trên chiếc taxi xa lạ trở thành con gái anh chị, kỳ diệu như một phép màu.
Câu chuyện cổ tích của bé Tường Vi, cái tên tươi đẹp mà anh chị dành cho con cũng được viết lại từ ấy. Con sinh ra và bị bỏ lại, nhưng may mắn, con lại gặp được những người thương con và cần con.
Chị Phương và chồng vốn gặp nhiều khó khăn trong kinh tế, khi có thêm Tường Vi, cuộc sống lại thêm những nỗi lo lớn, lo cho cái ăn, cái mặc và sau này là cái học hành của con. Chắc chỉ có ai đã làm cha mẹ mới hiểu, có con là chấp nhận có thêm những ngày sẽ phải làm việc nhiều hơn để lo cho con, những đêm thức trắng vì con. Nhưng với cha mẹ, những khó nhọc ấy là xứng đáng, vì cha mẹ chỉ muốn mang đến cho con những gì tốt nhất.
Khi có bé Tường Vi, vợ chồng chị Phương đã cố gắng tìm thuê một căn nhà riêng, để sau con gái lớn còn có không gian để chạy nhảy, nô đùa. Thêm một lần nữa, cuộc sống lại mỉm cười với họ, anh chị tìm được một ngôi nhà nhỏ bé, cũ kĩ ngay cùng ngõ với ông bà ngoại.
Nhỏ thôi, nhưng góc nào cũng thân thương. Bởi ở đó, đâu cũng có sự lo lắng của cha, tình thương của mẹ và cái thơ ngây của bé Tường Vi.
Thế rồi, sau bao phen buôn bán ngược xuôi, thất bại là nhiều, chị Phương quay về chọn nghề làm bán bánh đúc nóng. Anh chị có một quán nhỏ ngay đầu ngõ. Quán chỉ mở vào buổi chiều và hai vợ chồng chị cùng chung tay trông nom quán. Luôn tay tất bật trong cái bếp nhỏ, chị Phương mải miết quấy bánh đúc, đun thêm chút trân châu để bán thêm chút chè ngọt. Nồi bánh đúc, nồi chè, tuy giản dị, nhưng là cuộc sống của cả gia đình.
Bé Tường Vi còn rất nhỏ nhưng dường như rất hiểu chuyện. Chị kể con là nguồn vui của cả xóm chứ không riêng gì anh chị. Ở trong nhà, Tường Vi quấn bố mẹ vô cùng, nhất là bố. Anh nhà chị yêu con gái như tất cả những ông bố khác. Có được chút tiền, hai bố con lại cùng nhau đi mua đồ chơi. Chị cười hiền, chỉ ra chiếc giường mét hai trong nhà như giới thiệu gia tài đồ chơi mà anh sắm cho con gái.
Trong căn nhà nhỏ bé, cũ kĩ và có đôi phần bừa bộn ấy, cô bé mang tên của một loài hoa mùa xuân đang say sưa ngồi chơi, dù một mình nhưng vẫn hạnh phúc. Bởi thế giới xung quanh em chẳng khác nào “lâu đài”, với vô số “kho báu” mà cha mẹ đã tặng cho em, bằng những giọt mồ hôi nơi vầng trán, và cũng bằng tình thương chân thật nơi trái tim.
Con bé nhanh nhẹn lắm, bé xíu nhưng biết chuyện, nó đi từ nhà sang nhà ông bà ngoại mà gặp ai cũng chào hỏi. Ở nhà ông bà, thì nào là hát ca, nhảy múa. Cái điệu bộ nhanh nhẹn, đáng yêu và cũng có phần nghịch ngợm của cô cháu gái nhỏ đã khiến cuộc sống nơi mái nhà nghèo và buồn của ông bà như có thêm tiếng cười, thêm những niềm hy vọng.
Hôm ấy, Tường Vi được nghỉ học, vừa dậy là con bé tót sang nhà bà ngoại chơi với ông bà, đến trưa chỉ về ăn một chút rồi lại chạy đi mất. Cô bé biết, mẹ đang tất bật chuẩn bị cho buổi hàng chiều nên không thể chơi cùng em. Nhưng đến lúc chị Phương chuẩn bị đi bán hàng, bé Vi bỗng giật mình, kêu lên: cháu phải đi bán bánh với mẹ Phương đây, chắc mẹ mong cháu lắm. Câu nói của con khiến ai cũng phải bật cười. Sự ngây thơ, hồn nhiên và tình yêu thuần khiết mà con dành cho mẹ khiến ai cũng phải mủi lòng.
Vẫn là cái thân hình mũm mĩm, chắc lẳn ấy, cô bé tíu tít chạy về nhà để kịp cùng mẹ ra quán. Có lẽ em chưa thể ý thức được em là con nuôi của bố mẹ, chưa biết rằng những người đang yêu thương em thực ra không phải những người đã sinh thành ra em. Nhưng dường như điều ấy bây giờ và có thể là cả sau này nữa cũng sẽ không còn quá quan trọng. Bởi cô bé xinh xắn này đang được lớn lên trong tình thương, mà chỉ những người cha, người mẹ thực sự mới có thể dành cho.
Hình ảnh chị Phương đèo con gái nhỏ ra quán, nơi chồng chị đang đợi hai mẹ con có lẽ sẽ khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Bởi hình ảnh ấy dường như không còn chỉ thuộc về mẹ con Tường Vi nữa. Nó giống như hình ảnh thân thương của những người mẹ Việt, những con người dù có vất vả đến đâu cũng không một lời than vãn. Người mẹ đang chở trên chiếc xe ấy là con, là động lực để bố mẹ sống tốt, sống ý nghĩa hơn; con chính là hy vọng của cả nhà mình.
Nguồn ảnh: Afamily
Hy Văn