Cao nguyên Tây Tạng từ lâu vẫn được biết đến như một mảnh đất huyền bí, linh thiêng. Một phần do sự ngăn cách của dãy núi Himalaya hiểm trở, phần do lịch sử thăng trầm với những triều đại thịnh suy và lãnh thổ bị giao tranh chia cắt, phần còn lại là bởi Tây Tạng vốn được xem là miền đất Phật linh thiêng với vô vàn truyền thuyết và phong tục tập quán khác lạ. Thế nhưng, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất với những người từng đặt chân đến đây chính là đức tin thuần khiết của người dân Tây Tạng.

Ảnh: hanhtrinhtamlinh.vn
Ảnh: thegoldenscope.wordpress.com

Đến với Tây Tạng, từ trên máy bay nhìn xuống, Tây Tạng dễ dàng làm bạn choáng ngợp bởi cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa diễm lệ với những đám mây trắng như bông bay lơ lửng trên những dãy núi tuyết phủ trắng xóa. Phía xa xa, dưới chân núi lác đác những mái nhà nằm ven các con sông rất đặc trưng của vùng bản địa.

Tây Tạng nhìn từ trên cao. (Ảnh: youtube.com)

Sau ấn tượng ban đầu, khi đã thật sự đặt chân lên Tây Tạng, bạn sẽ thấy vẻ đẹp nơi đây vượt xa mọi sự tưởng tượng phong phú nhất của mình. Núi non Tây Tạng tràn đầy linh khí, những tu viện cổ kính ẩn hiện giữa mây trời, những hồ nước thăm thẳm và xanh ngắt, tĩnh lặng soi thấu cả lòng người… Nhưng, vượt qua tất cả những sự kỳ vĩ ấy, điều in dấu sâu sắc nhất nơi mảnh đất linh thiêng, huyền bí này lại chính là con người. Người Tây Tạng, từ nếp sống đến thẳm sâu tâm hồn họ, mọi lúc mọi nơi, đều toát lên vẻ đẹp rung động tâm can của một đức tin nguyên sơ và thuần khiết nhất.

Núi non Tây Tạng tràn đầy linh khí, những tu viện cổ kính ẩn hiện giữa mây trời. (Ảnh: gettyimages.com)
Người Tây Tạng, từ nếp sống đến thẳm sâu tâm hồn họ, mọi lúc mọi nơi, đều toát lên vẻ đẹp rung động tâm can của một đức tin nguyên sơ và thuần khiết nhất. (Ảnh: gettyimages.com)

Phật giáo du nhập vào Tây Tạng từ thế kỉ VII và thịnh hành từ triều đại của vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsän Gampo)(617 – 650) – vị vua vĩ đại nhất của người Tạng. Nhà vua và hai vương hậu – công chúa Xích Tôn của Nepal và công chúa Văn Thành của nhà Đường (sau này được người Tạng suy tôn là Lục Độ Mẫu hay Đức Tara Xanh và Bạch Độ Mẫu hay Đức Tara Trắng) không chỉ xây dựng chùa chiền, tu viện, truyền bá kinh Phật, mà đã thực hành giáo lý của Đức Phật, làm gương cho dân chúng bằng chính cuộc đời họ. Họ đã cai quản đất nước bằng lòng khoan dung, vị tha và trọn đời dẫn dắt người dân sống theo đức hạnh của Phật. Nền tảng, tinh hoa tôn giáo mà họ tạo dựng được tiếp nối, bồi đắp và bảo tồn qua 1400 năm cho tới tận bây giờ.

Tam Thánh Mật Tông – Tùng Tán Cán Bố (giữa) cùng 2 người vợ – công chúa Xích Tôn (trái) và công chúa Văn Thành (phải), những người có công rất lớn cho việc phát triển Mật Tông. (Ảnh: doctorwhomindrobber.com
Ảnh: migolatravel.com

Khi đến Tây Tạng, không thể không nhắc tới Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng. Bạn sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh người dân bản địa cầm trên tay một chuỗi tràng hạt và một vòng kinh luân (hay còn gọi là bánh xe Mani, một loại pháp khí được sử dụng trong tụng niệm), rồi vừa đi vừa niệm đọc kinh, gương mặt họ luôn toát lên vẻ thành kính.

Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng. (Ảnh: sinsunhan.com)
Người dân bản địa cầm trên tay một chuỗi tràng hạt và một vòng kinh luân. (Ảnh: lightfoottravel.com)
Ảnh: Thoughtco.com

Qua những ký sự về Tây Tạng, từ vài thế kỷ trước đã có hàng trăm ngàn người mỗi năm bất chấp cả mưa bão, gió tuyết, bùn lầy, trèo đèo lội suối, băng qua cả ngàn cây số để đến Lhasa. Đối với các tín đồ Phật giáo, Lhasa có một vị trí không thể thay thế trong tim họ.

Ảnh: gettyimages.nl
Ảnh: pariwartamang.blogspot.com
Ảnh: explorechinatibet.com
Đối với các tín đồ Phật giáo, Lhasa có một vị trí không thể thay thế trong tim họ. (Ảnh: fr.sputniknews.com)

Vào ngày lễ, rằm, mùng một, hoặc khi đến đền, chùa, người Tạng không mang theo lễ vật mà chỉ mang theo một tấm vải hoặc tấm nệm mỏng trải xuống đất để hành lễ. Họ luôn cầu cho con người được bình an, cho nghiệp chướng nhẹ bớt sau từng kiếp sống, cầu cho gia súc đừng bị dịch bệnh, nắng đừng cháy quá, mưa đừng lớn quá, tuyết đừng lở, đừng động đất. Họ đến với Đức Phật không sắm sanh lễ vật gì, bởi đối với họ lễ vật lúc nào cũng có sẵn, đó chính là đức tin thuần khiết trọn vẹn. Mong mỏi lớn nhất của người Tạng là được thanh lọc, được hoàn thiện bản thân sau mỗi kiếp sống, để được đến gần Đức Phật hơn.

Khi đến đền chùa, người Tạng không mang theo lễ vật mà chỉ mang theo một tấm vải hoặc tấm nệm mỏng trải xuống đất để hành lễ. (Ảnh: taojotravel.com)
Họ đến với Đức Phật không sắm sanh lễ vật gì, bởi đối với họ lễ vật lúc nào cũng có sẵn, đó chính là đức tin thuần khiết trọn vẹn. (Ảnh: lvyou.baidu.com)

Từ 5h sáng, trên đường phố chính của Lhasa đã có rất nhiều người Tạng đi tới Đại chiêu tự (Jokhang) làm lễ hoặc đi kora quanh chùa thiêng. Giữa lòng đường có dải đá lát, chúng trở nên mòn nhẵn như được mài vì hàng trăm năm qua người dân và người hành hương đã nằm rạp theo nghi thức “nhất bộ nhất bái” hoặc “tam bộ nhất bái”. Họ đến sân chùa cúi lạy và cầu nguyện từ 30 phút đến 1 giờ: đứng chắp tay, vái lạy, rồi quỳ rạp người sát mặt đất. Họ không để ý gì đến xung quanh, nhất tâm hành lễ như thể họ đang sống trong một chiều không gian khác, đang thực sự nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác.

Từ 5h sáng, trên đường phố chính của Lhasa, đã có rất nhiều người Tạng đi tới Đại chiêu tự (Jokhang) làm lễ. (Ảnh: gettyimages.nl)
Người dân và người hành hương nằm rạp theo nghi thức “nhất bộ nhất bái”. (Ảnh: 3widea.com)
Người dân và người hành hương nằm rạp theo nghi thức “tam bộ nhất bái”. (Ảnh: 3widea.com)

Đức tin của người dân Tây Tạng không tồn tại trong các nghi lễ cúng bái, mà được thực hành ngay trong đời sống thường nhật. Trẻ em Tây Tạng, từ khi sinh ra đã được ru bằng lời kinh cầu nguyện, học nói bằng câu Chú Đại Bi: “Om Mani Padme Hum”. Mỗi người Tạng thường chọn cho mình một vị thầy tâm linh và gắn bó với họ trong suốt cuộc đời. Mỗi ngày của họ đều bắt đầu và kết thúc bằng tiếng cầu kinh. Hình ảnh người Tạng lần tràng hạt hoặc quay vòng kinh luân, miệng niệm những bài kinh khi đi trên đường. Vì vậy, ở bất cứ đâu bạn cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được một niềm tin tín ngưỡng chân thành tỏa ra từ gương mặt, ánh mắt, dáng vẻ của họ, điều không nơi nào khác có được.

Đức tin của người dân Tây Tạng không tồn tại trong các nghi lễ cúng bái, mà được thực hành ngay trong đời sống thường nhật. (Ảnh: gettyimages.nl)
Mỗi ngày của họ đều bắt đầu và kết thúc bằng tiếng cầu kinh. (Ảnh: gettyimages.nl)

Vì sống theo Phật Pháp nên hầu hết người Tạng không tham lam, không dối trá, không độc ác. Họ tin tưởng tuyệt đối vào sự chở che, bao bọc của Đức Phật nên người Tạng rất bình thản và an nhiên. Có thể, bạn sẽ nghĩ họ sống thật lam lũ và vất vả nhưng thật ra, họ rất giàu có.

Sống theo Phật Pháp nên người Tạng không tham lam, dối trá, độc ác. Người Tạng rất bình thản và an nhiên. (Ảnh: 023canaan.com)

Họ không giàu về vật chất mà giàu về tinh thần, bởi lẽ, người dân Tây Tạng luôn giữ trong mình tín tâm vào Đức Phật, tin vào thiện ác hữu báo, vì vậy, họ luôn mang trong mình tấm lòng chân thật, tử tế và lương thiện vô cùng. Nếu bạn là khách du lịch lỡ đường, họ sẵn lòng mời bạn vào nhà, cho ăn, ngủ, mà không cần hỏi bạn là ai và đến từ đâu. Nếu bạn lạc đường, họ có thể bỏ việc đang làm, chỉ dẫn tận tình, thậm chí dắt bạn đến nơi dễ đi nhất. Họ tạo dựng và gìn giữ trong cộng đồng một lối sống, nơi con người dường như không thể làm, không thể nghĩ những điều xấu xa. Điều đó khiến bạn cảm giác như họ không bao giờ đơn độc mà luôn sống cùng Đức Phật hàng ngày.

Bạn là khách du lịch lỡ độ đường, người Tạng sẵn lòng mời bạn vào nhà, cho ăn, ngủ, mà không cần hỏi bạn là ai và đến từ đâu. (Ảnh: gordonwiltsie.photoshelter.com)

Tây Tạng còn nổi tiếng với 2 địa danh đó là hồ Namsto và thánh hồ Manasarovar. Đến hồ Namsto, bạn sẽ bắt gặp ngay chú bò Yak cao to và có đôi sừng hoành tráng. Bò Yak vốn không thích nước nên nếu chúng phải dầm chân lâu cho du khách chụp hình thì sẽ tỏ vẻ bực bội. Nhưng chỉ cần ông chủ người Tạng đến bên, vỗ về và hát cho chú nghe một bài kinh ngắn, chú bò Yak nghiêng đầu lắng nghe rồi dịu lại ngay. Còn ở thánh hồ Manasarovar rộng mênh mông, nước trong thấy đáy nhưng người dân sống ven hồ không dùng nước ở đây mà hàng ngày vẫn cần mẫn đến suối cách đó gần 2km chở nước về dùng trong sinh hoạt. Vì họ tâm niệm rằng, nước thánh hồ cần phải được giữ gìn thanh sạch, để tẩy rửa bụi trần và nghiệp chướng cho con người.

Hồ Namsto. (Ảnh: PicSnaper)
Chú bò Yak cao to và có đôi sừng hoành tráng. (Ảnh: teraavers.blogfa.com)
Chú bò Yak không thích nước, nếu chúng phải dầm chân lâu cho du khách chụp hình sẽ tỏ vẻ bực bội. Chỉ cần ông chủ người Tạng vỗ về hát cho nghe một bài kinh ngắn. Chú bò Yak nghiêng đầu lắng nghe rồi dịu lại ngay.(Ảnh: travelblog.org)
Thánh hồ Manasarovar rộng mênh mông, nước trong thấy đáy. (Ảnh: joomladesign.info)
Người dân sống ven hồ không dùng nước ở đây mà hàng ngày đến suối cách đó gần 2km chở nước về dùng. Vì họ tâm niệm, nước thánh hồ phải được giữ gìn thanh sạch, để tẩy rửa bụi trần và nghiệp chướng cho con người. (Ảnh: thelandofsnows.com)

Đức tin thuần khiết thấm đượm trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Tạng. Khắp các ngôi làng, trên lối đi ra bến sông, đồng cỏ ở Tây Tạng bao giờ cũng có khoảng không gian dành riêng cho người dân dừng lại để cầu nguyện. Nhà ở, đường phố, ngõ xóm, đồng cỏ, núi đồi, sông hồ… chỗ nào cũng thấy giăng đầy những lá kinh ngũ sắc. Ở các thành phố và thị trấn, luôn có những cây cột cầu nguyện cao vời vợi, thân quấn lụa ngũ sắc, chân cột là tầng tầng, lớp lớp lá cờ Lungta bằng vải đủ màu: trắng, đỏ, lục, vàng, lam. Lúc khởi thủy những lá cờ cầu nguyện là phong tục của mỗi gia đình người Tạng khi có niềm vui như cưới hỏi, sinh con… họ sẽ giăng một dây lá cờ cầu nguyện ở ngoài trời để gió mang phúc lành chia cho người khác.

Ngày nay, giữa thảo nguyên bao la, bên bờ những con sông, trên các đỉnh đèo cũng thế, sắc màu của những lá cờ cầu nguyện Lungta chép kinh Phật nổi bật trên nền đất, nền trời. Có những lá đã phai mờ hết chữ ghi trên đó, có lá còn tươi màu như vừa được dâng lên, cứ bay phất phới trong làn gió cao nguyên lồng lộng. Và vòng kinh luân không chỉ là vật bất ly thân của người Tạng mà còn được để ở mọi chùa chiền, tu viện, bản làng. Ngước mắt lên là thấy lời Phật, quơ tay là chạm tới được lẽ vô thường, lắng tai là nghe được nhịp luân hồi…

Ảnh: ru.wallpapers-fenix.eu
Những lá kinh ngũ sắc. (Ảnh: Travel Associates)
Ảnh: Global Travel
Treebo
Ảnh: ThoughtCo
Ảnh: ThoughtCo
Ảnh: gettyimages
Ngước mắt lên là thấy lời Phật, quơ tay là chạm tới được lẽ vô thường, lắng tai là nghe được nhịp luân hồi…(Ảnh: Bigl.ua)

Đi khắp nơi trên vùng đất Tây Tạng, bạn cũng sẽ thấy sự hiện hữu của những viên đá được xếp chồng lên nhau với đủ mọi dáng hình, nơi những lời nguyện cầu lặng thầm gửi vào trong đá. Được biết, đây là cách cầu nguyện của người Tạng, từ xa xưa đến bây giờ vẫn thế. Họ gửi vào mỗi viên đá lời tạ ơn, chúc phúc, hay một ước nguyện, một nỗi niềm nào đó muốn bày tỏ với Đức Phật… Lúc thì mươi viên đá nhỏ chụm lại, nhô cao hơn mặt đất chỉ 15-20cm, lúc lại nổi bật lên như hình một thân người đang quỳ gối hành lễ. Người Tạng hành hương cũng xếp đá dọc đường lên các tu viện, ven bờ các thánh hồ. Hàng vạn hàng vạn viên, cứ chồng chất lên nhau, không biết đã trải bao nhiêu thời gian.

Khắp nơi trên vùng đất Tây Tạng, bạn cũng sẽ thấy sự hiện hữu của những viên đá được xếp chồng lên nhau với đủ mọi dáng hình, nơi những lời nguyện cầu lặng thầm gửi vào trong đá. (Ảnh: gettyimages)
Hàng vạn hàng vạn viên, cứ chồng chất lên nhau, không biết đã trải bao nhiêu thời gian. (Ảnh: gettyimages)

Lịch sử nhân loại vẫn ngày ngày đổi thay, nhưng đức tin thuần khiết và sức sống mãnh liệt của người Tây Tạng vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Nơi mảnh đất ấy, con người vẫn mang trong mình tín tâm son sắt hướng về Phật Pháp. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ sức lay động tới trái tim của bất kì ai còn tin vào sự hiện hữu của cái Đẹp, cái Thiện trong cõi đời này.

Tây Tạng, nơi có những nụ cười thuần khiết giữa cuộc đời…

Huệ Nhi