Công nghệ giúp cuộc sống dễ dàng và thoải mái, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với trẻ nhỏ. Việc lường trước những ảnh hưởng xấu khi trẻ suốt ngày “ôm máy”, cha mẹ sẽ cân nhắc kỹ hơn khi cho con sử dụng thiết bị công nghệ sớm.
Theo nghiên cứu của tổ chức Kaiser Foundation, trẻ em và thiếu niên sử dụng smartphone và máy tính bảng nhiều gấp 4-5 lần thời lượng cho phép. Ngày nay, nhiều đứa trẻ tầm 2-3 tuổi có thể dùng các thiết bị công nghệ, nhưng lại chưa có các kỹ năng cơ bản khi sử dụng. Nếu các bậc phụ huynh có thói quen cho con em ở độ tuổi đang phát triển sử dụng đồ công nghệ, thì những điều dưới đây có thể phải suy nghĩ lại.
Ảnh hưởng về sức khoẻ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra tác hại của các thiết bị điện tử với sức khỏe trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ vẫn phớt lờ cảnh báo và thường xuyên cho trẻ xem tivi hoặc nghịch điện thoại như biện pháp dỗ ăn và trông con.
Khả năng đọc và trí nhớ của trẻ có thể bị suy giảm nếu thường xuyên xem tivi hoặc dùng máy tính. Sóng điện từ và sóng bức xạ từ tivi và máy tính có thể sẽ tác động tới não và gây ra chứng giảm thị lực và giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, trẻ có xu hướng tích tụ chất béo gây béo phì, chậm chạp, ù lì.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc dành quá nhiều thời gian trên smartphone và máy tính bảng còn là yếu tố gia tăng các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ em: như tình trạng trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn thiếu tập trung, rối loạn tập trung, rối loạn hành vi.
Ảnh hưởng tới năng lực tư duy
Hiện nay, chính sự tiện lợi trong tìm kiếm thông tin bằng các phương tiện công nghệ gây ra tính thiếu kiên nhẫn ở trẻ. Chỉ với vài thao tác, trẻ có thể tra cứu được thông tin dễ dàng thông qua Google.
Dành hằng giờ cho các thiết bị công nghệ khiến trẻ hạn chế thời gian học tập, tập thể dục, hoặc tham gia hoạt động đội nhóm để nâng cao kỹ năng giao tiếp. Thậm chí, trẻ em trở thành “con nghiện” game, sa đà vào cuộc sống ảo và tìm mọi cách để thỏa mãn cơn nghiện của mình.
Hạn chế kỹ năng tương tác
Khi trẻ dành nhiều thời gian chơi điện tử, xem tivi và sử dụng các mạng xã hội như facebook, zalo… thì sẽ ít có nhu cầu tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh. Kỹ năng xã hội hạn chế làm trẻ không tự tin khi giao tiếp hoặc có lối hành xử không phù hợp với cuộc sống thực tế. Đây sẽ trở thành hạn chế lớn ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ở tuổi trưởng thành.
Những người sống tách biệt, không xã hội khó có thể kết hợp với cuộc sống xã hội và trong nhiều trường hợp họ sẽ có cảm giác trầm cảm, cô đơn. Đến khi gặp phải khó khăn họ không thể nhận được sự giúp đỡ nào mà chỉ nghĩ “quẫn” dẫn đến những hậu quả thật đáng tiếc.
Thay đổi mối quan hệ trong gia đình
Độ tuổi từ 0-2, não trẻ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Lúc này, giọng nói, sự gần gũi và chơi đùa, sẽ hình thành nhận thức trong não bộ giúp trẻ học được cách gắn kết tình cảm với người thân. Tuy nhiên, những đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với màn hình smartphone, nhận thức của chúng sẽ khác.
Cha mẹ thường xuyên bận bịu, ít dành thời gian trực tiếp chăm sóc con dần sẽ khiến trẻ quên mất cảm giác thân thiết. Thay vào đó, trẻ dựa dẫm và tập trung nhiều hơn với các thiết bị điện tử. Hậu quả là trẻ trở nên thụ động, xa lánh, thậm chí không nghe lời bố mẹ.
Những rủi ro tiềm ẩn
Trẻ em sử dụng Internet nhưng chưa có kỹ năng phòng chống các hiểm hoạ tiềm ẩn. Hiện nay, có rất nhiều những video quảng cáo và các trang web hài hước tạo ra để giải trí cho đại bộ phận người trưởng thành. Trẻ dễ dàng truy cập, tiếp cận những hình ảnh không phù hợp lứa tuổi. Với bản tính tò mò, trẻ có thể sẽ bắt chước và học đòi các hành vi xấu như sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, quan hệ tình dục sớm…
Nguyên tắc an toàn khi cho trẻ dùng thiết bị công nghệ
Các bác sĩ đưa ra lời khuyên trẻ dưới 6 tuổi chỉ được dùng thiết bị công nghệ 1 giờ/ngày và tối đa dưới 3 giờ/ngày, đặc biệt không cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh nên hạn chế trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử. Ở tuổi này, giác quan của trẻ cần phát triển toàn diện, các sản phẩm công nghệ thường chỉ đáp ứng thị giác và thính giác, các giác quan khác của trẻ gần như không có cơ hội phát triển.
Lưu ý về không gian cho trẻ xem phim, chơi điện tử: phòng ốc thoáng mát, đủ dưỡng khí, ánh sáng… Đặc biệt, hạn chế tối đa nguy hiểm từ những thiết bị của trò chơi như nguồn điện, sóng điện từ, các vật dụng nhỏ, bén… có thể khiến trẻ tổn thương về cơ thể.
Trẻ cần tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, con người xung quanh để trưởng thành. Vì vậy, các thiết bị điện tử tiện ích đến đâu cũng không thể thay cha mẹ dạy dỗ trẻ cách giao tiếp, kỹ năng sống… Việc tổ chức những hoạt động cân bằng giữa việc học tập, sinh hoạt và vui chơi của trẻ để mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ phát triển.
Minh Lan