Cả hai loại đều làm từ thuốc lá nhưng quy cách khác nhau, cách hút cũng khác nhau. Nhiều người chuyển từ hút thuốc lá sang xì gà vì trông “sành điệu” hơn, và cũng hi vọng chúng ít độc hơn. Nhưng sự thật là gì?

Thông thường thuốc lá khác với xì gà ở kích thước và loại lá thuốc được sử dụng. Ngoài ra, khác với khói thuốc lá, khói thuốc xì gà thường không được hít vào.

Thuốc lá có kích cỡ bằng nhau và chứa gần 1 g (hỗn hợp) lá thuốc lá không qua lên men, được cuốn lại bằng giấy. Trong khi đó hầu hết các loại xì gà được sản xuất chủ yếu bằng một loại thuốc lá qua lên men, và được quấn bằng lá thuốc lá, chứa từ 1-20 g thuốc, tùy loại. Hút xì gà cỡ lớn (5-20 g) có thể mất từ 1 đến 2 tiếng mới hết một điếu, trong khi đó chỉ mất cỡ 10 phút để xong 1 điếu thuốc.

Sản xuất xì gà Cuba (Ảnh: qua NCĐT)

Khói xì gà và thuốc lá có gì khác biệt?

Khói thuốc xì gà, giống như khói thuốc lá, chứa các hóa chất gây độc và gây ung thư có hại cho cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Khói thuốc xì gà thậm chí có thể độc hơn khói thuốc lá, vì một số lý do sau:

  • Mức độ gây ung thư cao hơn: Trong quá trình lên men để làm xì gà đã tạo ra nồng độ nitrosamine cao gây ra ung thư. Các hợp chất này được thải ra khi hút xì gà. Nitrosamine trong khói xì gà cao hơn trong khói thuốc lá.
  • Nhiều hắc ín hơn: Đối với mỗi g thuốc lá trong xì gà khi hút vào thì có nhiều chất hắc ín gây ung thư hơn là trong thuốc lá.
  • Mức độ độc hại cao hơn: Lá thuốc dùng để cuộn xì gà có độ xốp ít hơn giấy cuộn thuốc lá. Vì vậy, điếu xì gà thường không được đốt cháy hoàn hảo như thuốc lá. Và kết quả là, khói thuốc xì gà có nồng độ chất độc cao hơn khói thuốc lá.

Hơn nữa, hấu hết các loại xì gà có kích cỡ lớn hơn, nhiều thuốc hơn thuốc lá, do vậy thời gian hút thuốc lâu hơn dẫn đến việc tiếp xúc với các chất độc hại hơn cũng dài hơn (bao gồm cacbon monoxit, hydrocarbon, amoniac, cadmium và các chất khác).

Xì gà có gây ung thư?

Hút xì ga vẫn gây hại sức khoẻ không hề giảm (Ảnh: ThoughtCo)

Có. Hút xì gà gây ra ung thư vòm miệng, thanh quản, thực quản và phổi. Và cũng có thể gây ra ung thư tủỵ. Hơn nữa, với những người hút xì gà hàng ngày, đặc biệt là những người khi hút thuốc thường hít khói vào sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh về phổi khác. Những người hút xì gà và hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh đối với khoang miệng và ung thư thực quản ngang nhau. Càng hút nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Thông thường người hút xì gà khi hút thuốc không hít khói vào phổi

Mặc dù những người hút xì gà có tỷ lệ ung thư phổi, bệnh mạch vành và bệnh phổi thấp hơn so với những người hút thuốc lá, nhưng tỷ lệ mắc bệnh này vẫn cao hơn so với những người không hút xì gà.

Tất cả những người hút thuốc lá và xì gà, dù có hít vào hay không, thì cũng đều trực tiếp sử dụng môi, miệng, lưỡi, cổ họng và thanh quản để hút thuốc, tiếp cận với các chất độc hại và các chất gây ung thư.

Ngoài ra, khi nước bọt chứa các hóa chất trong khói thuốc bị nuốt vào thì thực quản sẽ là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với chất gây ung thư. Những phơi nhiễm này có thể giải thích cho những nguy cơ ung thư miệng và thực quản thường gặp ở những người hút xì gà và người hút thuốc lá.

Xì gà vẫn có thể gây nghiện (Ảnh: holodilniki-911.ru)

Xì gà có gây nghiện không ?

Câu trả lời là: Có. Thủ phạm gây nghiện là nicotine. Ngay cả khi bạn không hít khói thuốc vào thì nó vẫn có thể đi vào cơ thể trực tiếp từ phổi hoặc hấp thụ qua niêm mạc miệng. Một điếu xì gà có thể cung cấp một lượng nicotine bằng một hộp thuốc lá, và tất nhiên gây nghiện cho người hút.

Mối nguy của việc hút xì gà thường xuyên thậm chí có thể cao hơn những gì nghiên cứu chỉ ra vì các nhà nghiên cứu không thể đo được dữ liệu về mối nguy của những người thi thoảng mới hút xì gà. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người trước kia hút thuốc lá điếu có nguy cơ tổn thương cao hơn, có lẽ vì họ thường hít sâu vào phổi khói xì gà.

Hải Linh

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phé.