Lưu trữ máu cuống rốn của con gái- Đây được cho là quyết định đầu tiên của Kim Tae Hee và Bi Rain khi công chúa nhỏ chào đời.

Vào ngày 25/10 vừa qua, Kim Tae Hee đã hạ sinh công chúa đầu lòng tại một trung tâm sản phụ khoa ở Cheongdam-dong, Seoul cách đây không lâu. Theo giới truyền thông Hàn Quốc, vợ chồng cô đã quyết định lưu trữ máu cuống rốn của con gái đầu lòng trong ngân hàng lưu trữ để phục vụ cho tương lai.

Việc lưu trữ máu cuống rốn này có mục đích là nếu không may bé bị bệnh trong tương lai, cần dùng tế bào gốc để chữa trị thì mọi thứ đã sẵn sàng, không những thế mà người thân cũng có thể dùng nếu cần. Tế bào gốc từ máu cuống rốn qua công nghệ xử lý sẽ tạo ra tế bào máu, tế bào mỡ, tế bào cơ tim tế bào gan, tế bào thần kinh, tế bào tụy, giúp điều trị nhiều bệnh, đặc biệt là những bệnh hiếm gặp hoặc ác tính như ung thư máu, tan máu bẩm sinh…

Vợ chồng 2 ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc hạnh phúc bên nhau và có một bé gái đầu lòng. (Ảnh: DramaFever)

Sau khi sinh em bé Kim Tae Hee dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho việc chăm sóc con. Cô hiện tại chưa có bất cứ kế hoạch công việc cụ thể nào và sẽ tạm “vắng bóng” khỏi làng giải trí một thời gian. Trong khi đó, dù rất muốn ở bên công chúa nhỏ nhưng Bi Rain vẫn phải tiếp tục các hoạt động công việc.

Kim Tae Hee trong trang phục truyền thống của Việt Nam và cô có thể nói câu “Xin Chào” bằng tiếng Việt (Ảnh: Kenh14)

Hiện nay, việc quyết định “mua bảo hiểm” sinh học này cho con đã được không ít cặp vợ chồng thực hiện.

Máu cuống rốn – “Bảo hiểm sinh học”

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM): Máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ. Đây là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.

Máu cuống rốn sẽ được bảo quản để dùng khi có các bệnh cần tế bào gốc (Ảnh: Shift Happens Media)

Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh là nguồn chứa dồi dào tế bào gốc tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi. Vì vậy, máu cuống rốn đã được ứng dụng trong ghép tế bào gốc tạo máu.

Hiện nay, tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng điều trị cho các bệnh lý về máu ác tính (như ung thư máu) hay di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh); hoặc các bệnh lý tự miễn (như tiểu đường).

Những nghiên cứu gần đây cũng đã cho biết tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy… Vì thế, từ nguồn tế bào gốc máu cuống rốn có thể điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học. Trong đó, có bốn bệnh lý vừa được nghiên cứu ứng dụng điều trị là: tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.

Bác sĩ Dũng cho biết, máu cuống rốn được lấy ngay khi sản phụ vừa sinh, được xử lý, đông lạnh và lưu trữ được hơn 20 năm.

Cuống rốn hứa hẹn trở thành chìa khóa của việc bảo vệ sức khoẻ (Ảnh: Adayroi)

“Với việc lưu trữ máu cuống rốn, trong trường hợp bản thân đứa trẻ mắc bệnh thì có thể lấy nguồn tế bào gốc này ghép, điều trị cho chính bé. Hoặc nguồn tế bào gốc này có thể điều trị cho ba mẹ hay anh chị em trong gia đình. Hoặc hiến tặng cho cộng đồng”, bác sĩ Dũng nói.

Một lợi thế là tế bào gốc máu cuống rốn có tính sinh miễn dịch thấp nên dễ được cơ thể khác gien chấp nhận khi ghép khác gien.

“Thường anh chị em ruột trong gia đình thì tỉ lệ tương đồng khoảng 25%. Vì vậy, tối ưu vẫn là lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho từng người”, bác sĩ Dũng nhận định.

Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM), bác sĩ Dũng, cho biết đã có hơn 10 trường hợp được điều trị thành công các bệnh về nhờ ghép tế bào gốc từ nguồn lưu trữ máu cuống rốn được gửi vào ngân hàng tế bào gốc của bệnh viện.

Hiện nay, tại Việt Nam có các đơn vị có ngân hàng lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là: Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học truyền máu trung ương, Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem và Bệnh viện Vinmec Hà Nội.

Theo bác sĩ Dũng tư vấn: Nếu có ý muốn lưu trữ máu cuống rốn, thai phụ nên đến bệnh viện để được tư vấn, đăng ký và làm các xét nghiệm (tốt nhất là hai tháng trước khi sinh). Khi sinh, ê-kíp bác sĩ của đơn vị có dịch vụ lưu trữ sẽ đến bệnh viện phụ sản để lấy và xử lý máu cuống rốn của em bé. Chi phí thu thập, xử lý máu cuống rốn và lưu trữ năm đầu khoảng hơn 20 triệu đồng, sau đó phí lưu trữ khoảng hơn 2 triệu đồng/năm.

Có một số trường hợp thai phụ không thể lưu trữ tế bào máu cuống rốn nếu mắc các bệnh truyền nhiễm (như viêm gan siêu vi…); bị bất kỳ bệnh ung thư nào, hoặc các bệnh về máu như suy tủy…; bị bất kỳ biến chứng hay bị mắc bệnh trong thời gian mang thai cũng như sinh nở; có thai ở độ tuổi dưới 18.

Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.