Sự biệt hóa tế bào theo tiến trình bình thường diễn ra theo hướng các tế bào chưa biệt hóa sẽ phát triển thành những loại tế bào khác nhau như tế bào thần kinh, cơ hay tế bào da.
Tái lập trình tế bào gốc là một kỹ thuật di truyền, trong đó tế bào đã có chức năng chuyên biệt như tế bào da, tế bào não, tế bào thần kinh… được lập trình quay về chức năng như một tế bào gốc đa năng gọi là iPS (induced Pluripotent Stem Cell). Các nhà nghiên cứu đã ứng dụng tế bào gốc trên điều trị một số bệnh lý. Các tế bào gốc đa năng được đưa đến nơi có bệnh lý sẽ tìm và sửa chữa những tế bào bị tổn thương.
Tháng 7/2018, lần đầu tiên các bác sĩ ở bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản đã ứng dụng kỹ thuật này trên người bị bệnh Parkinson. Các tế bào gốc được tái lập trình từ tế bào da và tiêm vào não của bệnh nhân Parkinson. Sau khi tiêm vào não, các tế bào này sẽ biệt hóa thành tế bào thần kinh, thay thế tế bào thần kinh đã bị thoái hóa và chết đi. Chúng sẽ có chức năng sản xuất dopamin bù đắp vào thiếu hụt dopamin – nguyên nhân chính gây nên các triệu chứng cơn run giật hoặc co cứng cơ trong bệnh Parkinson. Các bác sĩ sẽ tiêm 5 triệu tế bào này vào não của 7 bệnh nhân và sẽ được theo dõi trong vòng hai năm sau tiêm.
Năm 2017, một trong những tác giả chính của thử nghiệm, nhà khoa học tế bào gốc Jun Takahashi tại Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tại Kyoto đã chứng minh thử nghiệm thành công trên khỉ. Các tế bào gốc được tái lập trình từ tế bào chức năng đã sản xuất dopamin và cải thiện được triệu chứng bệnh tương tư trên khỉ.
Vào năm 2014, bác sĩ nhãn khoa Masayo Takahashi – vợ của Takahashi – tại Trung tâm Sinh học Phát triển RIKEN ở Kobe cũng đã phát triển một liệu pháp dựa trên tế bào chức năng để điều trị bệnh võng mạc. Tháng 5/2014, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Osaka đã nhận được sự chấp thuận để sử dụng các tế bào gốc được tái lập trình để điều trị bệnh tim.
Theo Nature International journal of science
Phương Lan