Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất được đưa vào bệnh viện cấp cứu gấp. Vậy nên các phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, để mắt tới trẻ và tìm hiểu một số phương pháp sơ cứu ban đầu để kịp thời xử lý khi “có chuyện” xảy ra.
Mới đây ngày 1/5, ThS.BS. Nguyễn Đình Qui, Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay, 2 bé trai 4 tuổi ngụ ở quận 7 đã được gia đình đưa tới cấp cứu khi phát hiện uống nhầm 5 – 6 viên thuốc điều trị viêm khớp.
Người thân bệnh nhi chia sẻ rằng trong lúc nô đùa, 2 bé chơi trò bác sĩ – bệnh nhân. Sau khi tự “thăm khám” cho nhau, 2 bé trai lấy lọ thuốc trong tủ nhà rồi chia nhau uống. Từ lúc uống tới lúc nhập viện khoảng 2 giờ. Bệnh nhi nhanh chóng được rửa dạ dày và uống than hoạt để hấp thụ dược chất ra ngoài. Sau cấp cứu 13 giờ, bệnh nhi dần ổn định sức khỏe.
Loại thuốc 2 bé uống là ARTREIL có thành phần Diacerhein 50mg – một loại thuốc kháng viêm không Steroid, chỉ định trong viêm, thoái hóa khớp. Đây là thuốc chống chỉ định đối với trẻ em dưới 15 tuổi, được khuyến cáo để xa tầm tay trẻ em. Thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí là gây đau bụng và chảy máu đường tiêu hóa.
Trước đó, ngày 23/3, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã phẫu thuật tạo hình dạ dày cho em Đ.K.L, 16 tuổi, ngụ Bạc Liêu bị hỏng toàn bộ dạ dày do uống nhầm hóa chất (chất xúc tác làm composit chuyên dùng cho tàu, thuyền), có tính oxy hóa cực mạnh, chưa từng được ghi nhận trong y văn, theo Vietnammoi.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), Trung bình 1 tháng, bệnh viện tiếp nhận hơn 20 ca bệnh nhi uống nhầm hóa chất, xăng dầu và thuốc, các chất độc hại khác nhau.
Vậy để phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm hóa chất cần lưu ý
- Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Các chai, lọ đựng hóa chất nên dán chú thích rõ ràng. Tốt nhất là để ở những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.
- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như như chai nước khoáng lavie, trà C2… để tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.
- Tránh tái sử dụng những chai nhựa màu, vỏ đục, khó quan sát màu sắc của chất bên trong để đựng hóa chất.
- Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.
Một số cách sơ cứu trẻ thoát khỏi nguy hiểm khi phát hiện uống phải hóa chất.
1. Uống nhầm xăng, axit, chất tẩy rửa
Tuyệt đối không được gây nôn. Nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.
2. Uống nhầm thuốc diệt cỏ
Trường hợp này lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó cho nạn nhân uống than hoạt tính để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.
3. Uống nhầm thuốc
Khi xác định trẻ bị ngộ độc thuốc cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm. Nếu đang còn tỉnh, bất kể là đã uống nhầm loại gì cũng cần nhanh chóng gây nôn bằng cách móc họng. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn.
Sau sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Yến Dương