Cụ thể, từ ngày 1/12/2018, người bệnh tham gia BHYT vẫn được thanh toán BHYT nếu nơi điều trị gửi mẫu xét nghiệm đến nơi khác, khám chữa bệnh trái tuyến, thẻ BHYT hết hạn khi đang điều trị dở…
Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2018, thay thế Nghị định 105/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, người tham gia BHYT sẽ được hưởng nhiều quyền lợi:
– Trường hợp người đi khám chữa bệnh không đúng thủ tục, khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng BHYT được thanh toán trực tiếp từ cơ quan BHXH với mức hưởng: Tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện không quá 0,15 lần mức lương cơ sở đối với khám chữa bệnh ngoại trú và không quá 0,5 lần khi khám chữa bệnh nội trú.
Đối với tuyến tỉnh không quá 1 lần mức lương cơ sở đối với điều trị nội trú và tại tuyến trung ương không quá 2,5 lần mức lương cơ sở đối với khám chữa bệnh nội trú.
– Trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến xã thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo quy định.
Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đi lại khó khăn được đi khám, chữa bệnh tại nơi gần chỗ cư trú, tiết kiệm thời gian, chi phí.
– Nghị định 146 quy định bổ sung, quỹ BHYT sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
– Người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng.
Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.
– Người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh khác thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo như đi trái tuyến (trừ các trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh).
Nghị định 146 cũng bổ sung nhiều nhóm đối tượng được hỗ trợ tham gia BHYT; nhóm tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng BHYT. Các quy định này đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi xã hội, không bỏ sót đối tượng tham gia BHYT, góp phần tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT.
5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh gồm: – Người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. – Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, trẻ em dưới sáu tuổi… – Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã. – Các trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở (khoảng 1,39 triệu đồng/tháng) sẽ được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh. – Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (trừ khi tự đi khám chữa bệnh vượt tuyến). |
(Tổng hợp)