Cơ sở khoa học về tính bổ dưỡng của thịt cóc vẫn còn hạn chế, thịt cóc cũng không giàu dinh dưỡng hơn so với nhiều thực phẩm thường ngày. Trái lại, trong cóc chứa những độc tố cực kỳ nguy hiểm, sơ sảy một chút trong chế biến là có thể “ăn một lần lỡ cả đời”.
Chiều 12/1, Trung tâm y tế huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, hai người dân tại địa bàn đã tử vong sau khi ăn thịt cóc.
Theo kết quả xác minh của trung tâm y tế, trưa 11/1 ông Nguyễn Văn Cường (57 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Hiên trú ở xã Nghi Thạch tự làm thịt cóc để ăn. Chừng 2 giờ đồng hồ sau, bà Hiên thấy đau bụng nên tìm gọi chồng đưa đi viện thì phát hiện ông Cường đã tử vong trên giường.
Bà Hiên sau đó được hàng xóm đưa tới viện cấp cứu nhưng cũng tử vong. Cơ quan chức năng xác định, món thịt cóc là nguyên nhân dẫn tới cái chết của vợ chồng ông Cường.
Trước đó có nhiều trường hợp tử vong được xác định là do ăn thịt cóc. Tháng 11/2016 đã xảy ra cái chết thương tâm của 3 mẹ con vì ăn cháo cóc.
Thịt cóc: món ăn dễ gây ngộ độc, tử vong
Thịt cóc thường được mọi người biết đến là món ăn rất bổ dưỡng, chống còi xương, suy dinh dưỡng. Tuy nhiên theo bác sỹ Nguyễn Thị Kim Hưng – nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào về công dụng của thịt cóc. Còn về dinh dưỡng, thịt cóc có nhiều đạm thật nhưng cũng không cao hơn thịt gà, các vi chất cũng không dồi dào so với những thực phẩm khác”.
Đặc biệt nếu không được chế biến cẩn thận, đúng cách, người ăn rất dễ nhiễm phải những độc tố chết người có trong các tuyến và nội tạng của cóc. Theo các chuyên gia, tại các nốt sần trên da cóc chứa một độc tố chết người là tetrodotoxin, độc tố thần kinh này cũng có trong cá nóc. Người ăn phải sẽ khiến mạch đập nhanh, huyết áp tăng nhanh v.v. và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, ở gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai bên sống lưng) của cóc còn có bufotenin, một chất cực độc, dễ gây tử vong, đặc biệt là khi chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy. Lượng bufotenin chứa trong cóc đủ để khiến 4-5 người khỏe mạnh tử vong, dù thoát được lưỡi hái tử thần, người ngộ độc vẫn có những di chứng về thần kinh, suy thận v.v. Do đó nếu không được chế biến cẩn thận, ngươi ăn có thể vô tình ăn phải các bộ phận chứa độc hoặc thịt cóc bị nhiễm chất độc, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng ngộ độc: Ngoài các triệu chứng ngộ độc thức ăn thông thường như đau bụng, buồn nôn, nôn, nạn nhân còn có thể thấy hồi hộp, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, chân tay lạnh, ảo giác, nếu không được cấp cứu nhanh chóng có thể dẫn đến ngừng thở và tử vong.
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc:
- Ngay khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần nhanh chóng gây nôn cho bệnh nhân bằng cách móc họng để loại bỏ tối đa độc tố.
- Cho nạn nhân uống nước cam thảo, lòng trắng trứng hoặc nước luộc đỗ xanh. Có thể cho nạn nhân uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố còn trong cơ thể.
- Sau đó phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu để các bác sĩ tiến hành những biện pháp đào thải độc tố đặc biệt cũng như điều trị triệu chứng.
Những chất dinh dưỡng trong thịt cóc hoàn có thể được thay thế bằng nhiều thực phẩm an toàn khác. Vì vậy mọi người nên hạn chế ăn thịt cóc. Chỉ ăn thịt cóc đã được loại bỏ độc tố và chế biến đúng cách.
Đại Hải tổng hợp
Xem thêm: