Ngày 3/6, đại diện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh nhân Ma Đình Du, (34 tuổi, Định Hóa) đã tử vong sau hơn một tuần điều trị do nhiễm khuẩn liên cầu lợn từ thịt dê chết.
Theo Sức khỏe và Đời sống, tối ngày 25/5/2018, vì tiếc con dê đã chết, nên gia đình vẫn chế biến để ăn. Sau khi ăn, bệnh nhân Du có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng, sốt, mệt mỏi, tức ngực, mệt lả… được người nhà đưa vào bệnh viện tuyến huyện.
Đến 1h30 phút ngày 27/5, bệnh nhân Du được chuyển sang Khoa bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên với các dấu hiệu lâm sàng như vật vã, kích thích, da xanh, niêm mạc nhợt, có nhiều nốt chấm xuất huyết rải rác toàn thân, không phù và được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm khuẩn.
Sau khi điều trị, bệnh nhân Du có diễn biến phức tạp, suy đa tạng, sốt liên tục và được bệnh viện chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để thở máy qua nội khí quản, dùng thuốc an thần, lọc máu liên tục. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân Du mắc liên cầu lợn., nguy kịch tính mạng.
Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, nhập viện cùng bệnh nhân Du còn có ông Ma Doãn Vàng (49 tuổi) cùng ở địa phương nhiễm liên cầu lợn do ăn thịt dê. Sau quá trình điều trị tích cực, hiện sức khỏe của bệnh nhân Vàng đã ổn định và có thể xuất viện, theo TTXVN.
Trước đó, ngày 1/6, bệnh nhân La Văn Hào (49 tuổi, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã tử vong sau hơn một ngày điều trị tích cực do nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
Như vậy, chỉ trong vòng gần một tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 2 trường hợp chết do nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần:
– Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
– Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
– Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
– Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
– Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh liên cầu lợn là bệnh lý lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm gây ra bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis). Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…). Hoặc người bị lây bệnh do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…); phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Khi khởi phát, người bệnh có các triệu chứng như sốt cao có thể kèm theo rét run, mệt, đau mỏi người, đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, mê sảng, ngủ gà, hôn mê, có thể xuất huyết dưới da… Bệnh liên cầu lợn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Trường hợp bệnh nhân hồi phục dễ mắc di chứng như ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn… |
Phương Nam