“Tháng tư đong đậu nấu chè, ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm” – câu ca dao truyền miệng bao đời của người dân Việt Nam ta vào ngày 5/5 này lại vang đâu đây, như nhắc nhở chúng ta về một nét đẹp văn hoá truyền thống mang theo ước vọng về sức khoẻ, sự thịnh vượng của người xưa.
Tết Đoan ngọ không chỉ là một phong tục cổ truyền tồn tại lâu đời của người dân Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia ở Đông phương như Trung Quốc và Hàn Quốc. ‘Đoan Ngọ’ có thể hiểu là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Đoan (开) nghĩa là bắt đầu. Ngọ (午) chỉ giờ ngọ, tức thời khắc nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều). Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo lý luận y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể con người vào ngày Đoan Ngọ đều lên đến cực đại.
Tết Đoan Ngọ của Trung Quốc với truyền thuyết Khuất Nguyên
Vào thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở tên là Khuất Nguyên. Ông là một vị trung thần, hơn nữa còn là một nhà thơ nổi tiếng. Lúc bấy giờ, nước Sở (nằm ở bờ sông Trường Giang, miền nam Trung Quốc) đang tranh giành địa vị bá chủ với nước Tần (nằm ở miền tây bắc Trung Quốc).
Khuất Nguyên hiến mưu kế, can ngăn vua Sở nhưng lại bị nịnh thần hãm hại. Sau đó, Khuất Nguyên bị đi đày đến khu vực sông Mịch La, người dân địa phương rất kính trọng ông. Không lâu sau, Khuất Nguyên biết được tin đô thành nước Sở bị quân đội nước Tần đánh chiếm, nước Sở bị tiêu diệt. Ông hết sức căm phẫn, cuối cùng nhảy sông Mịch La tự tử vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Khi hay tin Khuất Nguyên tự tử, người dân địa phương vội vã chèo thuyền tìm Khuất Nguyên nhưng không thấy, bèn bỏ gạo vào trong ống tre rồi thả xuống sông cho cá không ăn xác ông.
Để tưởng nhớ, hàng năm cứ đến ngày ông mất, người dân địa phương lại chèo thuyền trên sông Mịch La, thả bánh chưng hình tam giác buộc bằng chỉ ngũ sắc xuống sông cúng ông. Người xưa quan niệm, chỉ ngũ sắc buộc bên ngoài sẽ làm cho cá sợ, khỏi đớp mất bánh; còn nếu như cá có đớp phải, thì ba cạnh của bánh chưng sẽ làm cá bị hóc. Tết Đoan Ngọ đã trở thành một trong những ngày tết truyền thống quan trọng và là ngày nghỉ lễ của người dân Trung Quốc.
‘Tết diệt sâu bọ’ – Tết Đoan ngọ của Việt Nam
Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ được gọi là tết diệt sâu bọ. Chuyện bắt đầu vào một ngày sau mùa vụ, nông dân ăn mừng vì được mùa, nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đang đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, cơm rượu và trái cây (mận, vải…) sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau sâu bọ chết hết. Lão ông còn bảo thêm: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.”
Dân chúng rất biết ơn định cảm tạ nhưng đã không thấy ông lão ở đâu nữa. Để tưởng nhớ việc này, nhân dân gọi ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, còn gọi là “tết Đoan ngọ” vì thường cúng vào giữa giờ Ngọ.
Tết Đoan ngọ của Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng coi ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày lễ theo truyền thống văn hoá của họ, gọi là Dano (단오) hay là Suritnal (수릿날). Lễ hội Dano là một trong ba dịp lễ truyền thống lớn nhất Hàn quốc cùng với tết Nguyên đán và tết Trung thu Chuseok. Tết Đoan ngọ Dano có lịch sử hơn 1.000 năm bắt nguồn từ tỉnh Gangneung.
Với người Hàn Quốc, con số 5 là biểu tượng của sức mạnh, sự cường tráng. Với ý nghĩa này, lễ Dano diễn ra vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch mùa trước và bắt đầu cấy lúa. Đây là lúc người dân Hàn cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại.
Ngày tết Đoan ngọ phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân xưa. Yếu tố ước vọng sức khỏe, sự phồn vinh, cầu thịnh vượng được dân gian gửi gắm vào các hoạt động kết nối con người với các thế lực siêu nhiên. Sự ra đời của ngày tết Đoan Ngọ trước hết là đáp ứng nhu cầu chống nóng để bảo vệ sức khỏe với các phương thức “bình dương kiện âm”(giảm phần dương mà tăng phần âm), “dĩ hàn khứ nhiệt” (lấy lạnh trị nóng), “dùng thủy trị hỏa” (dùng nước mà dập lửa) gắn liền với văn hoá dân gian.
Giải trừ nắng nóng, bảo vệ sức khoẻ
Tết Đoan ngọ được coi là thời điểm nóng nhất trong năm, dương khí cực thịnh. Cơ thể con người cũng là ứng hợp với thiên nhiên mà phát nhiệt. Do đó, người xưa đã tìm cách để chống lại nhiệt (nóng) giúp điều hoà cân bằng âm dương, bảo vệ sức khoẻ.
Ở Việt Nam, bên cạnh việc diệt ‘sâu bọ’ trong cơ thể theo quan niệm xưa bằng cơm rượu và hoa quả thì ăn bánh tro hay chè hạt sen, chè đỗ đen cũng có tác dụng thanh nhiệt, trừ nắng nóng. Một số nơi như Huế còn chế biến các món ăn từ thịt vịt vì có vị ngọt, tính hàn.
Tại Trung Quốc, chức năng tiêu độc, chống nhiệt ngày Đoan ngọ rất được coi trọng. Trẻ con đeo túi ngải cứu may bằng vải đỏ trước ngực để hít thở mùi dịu mát của chúng mà trừ nhiệt. Trên bàn của người Trung hầu như luôn có ấm trà ngải cứu để dùng cho cả nhà, một số nơi uống rượu nếp pha bột hùng hoàng để bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, bánh chưng hình tam giác của người dân Trung Quốc, hay hai loại bánh làm từ gạo của người Hàn là Suritteok và Yaktteok. Bánh Suritteok làm từ lá ngải (cũng có vị ngọt đắng, mùi hơi giống ngải cứu của Việt Nam) luộc chín, đem nấu chung với gạo không dính nên bánh có màu xanh, bánh Yaktteok thì lại đa dạng hơn khi được kết hợp gạo với nhiều loại hạt khác nhau. Đều là những loại thực phẩm nguội mang tính mát để chống nóng.
Hơn nữa, ở Hàn Quốc còn diễn ra hoạt động tặng quạt ý nghĩa. Người Hàn có câu: “Dano tặng quạt, đông chí tặng lịch”. Dịp lễ Dano (tết Đoan ngọ) diễn ra vào ngày hè, vì vậy những chiếc quạt là món quà truyền thống hấp dẫn mà họ thường trao tặng nhau để xua tan đi cái nóng bức.
Tục đi hái lá thuốc
Mỗi loại thảo mộc đều có công dụng riêng, vào giờ Ngọ ngày Đoan ngọ được tin là thời khắc dược tính đạt mức cao nhất. Những loại lá thuốc được thu hái nhiều nhất trong ngày này là trà xanh, ngải cứu, đinh lăng, lá mua, ích mẫu, tía tô, kinh giới, bồ công anh, sen, lá vối, lạc tiên, lá đơn đỏ… tuỳ thuộc vào từng địa phương.
Các loại lá được mang phơi khô và được gọi với cái tên là ‘lá mồng năm’. Người dân quan niệm lá mồng năm có tác dụng tốt đối với các bệnh ngứa ngoài da, bệnh đường ruột. Khi bị bệnh thì mang đi sắc thuốc uống hoặc có thể dùng như trà giải khát hàng ngày.
Tục tắm nước lá
Tục tắm nước lá thường xuất hiện ở các làng quê nông thôn Việt Nam và Trung Quốc. Người ta thường đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre rồi lấy ra pha tắm để tẩy trừ ‘sâu bọ’ và phòng bệnh. Mùa nóng lại tắm nước ấm có lá thơm, mồ hôi toát ra, cảm giác khoan khoái dễ chịu, làm cho con người phấn chấn, có thể trị được cảm mạo.
Tại Việt Nam, một số nơi còn tắm biển lúc chính Ngọ (đúng 12 giờ trưa) được gọi là ‘tắm mồng năm’ để gột rửa hết thảy vật chất xấu quanh cơ thể, diệt trừ ‘sâu bọ’. Trong khi đó ở Trung Hoa, người ta nấu nước lá ngải, lá chương phổ hoặc lá hoa lan để tắm mát, và vì vậy tết Đoan ngọ còn gọi là Ngải tiết hoặc Dục lan tiết.
Đối với xứ sở Kim Chi thì thay vì tắm bằng nồi lá hỗn hợp, họ dùng lá cây Thuỷ xương bồ để nấu nước gội đầu. Phụ nữ Hàn Quốc tin rằng, nếu muốn tóc suôn mượt óng ả thì phải gội đầu bằng thảo dược này. Đàn ông Hàn Quốc thì quấn rễ cây xung quanh thắt lưng để xua đuổi tà ma và bảo vệ mình khỏi những linh hồn xấu rình rập.
Phong tục tết Đoan ngọ ở Trung Quốc, Việt Nam cũng như Hàn Quốc đều phát sinh trong quá trình sống và cách ứng xử với thiên nhiên của người dân xưa. Qua các giai đoạn lịch sử, phong tục này gắn thêm các ý nghĩa giáo dục đạo đức xã hội và quan niệm tâm linh, làm cho tết Đoan ngọ trở thành một phong tục văn hóa thể hiện sâu sắc các đặc trưng cơ bản của tính cách văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, người Việt Nam và Hàn Quốc không gắn liền phong tục của mình bằng các quan niệm tưởng nhớ bất kì nhân vật lịch sử nào, do vậy các hoạt động trong ngày chỉ đơn thuần là giao lưu giữa người với người chứ không nâng thành mục tiêu duy trì và tăng cường ý thức nguồn cội như trong văn hóa Trung Hoa.
Mộc Chi t/h