Các nhà khoa học Đại học California, Mỹ đã phát hiện những người có lối sống ít vận động, ngồi bàn giấy, xem TV trên ghế sofa cả ngày có vùng não ở thùy thái dương bị teo nhỏ, theo Daily Mail.
35 tình nguyên viên độ tuổi từ 45-75, thường xuyên ngồi làm việc suốt nhiều giờ được các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ với hình ảnh có độ phân giải cao.
Các nhà khoa học đã nhận thấy, những người ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ, chất xám ở vùng trung tâm bộ não nằm ở thuỳ thái dương chịu trách nhiệm ghi nhớ thông tin cũng ít hơn so với người thường xuyên vận động.
Việc suy giảm chất xám ở khu vực não này có liên quan trực tiếp đến bệnh mất trí nhớ Alzheimer ở tuổi trung niên và tuổi già.
“Suy giảm vùng thùy thái dương có thể dẫn đến sự suy giảm nhận thức và chứng sa sút trí tuệ ở người trung niên và lớn tuổi”, Tiến sĩ Prabha Siddarth, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Do đó, ông và các cộng sự tin rằng việc thay đổi thói quen ngồi một chỗ quá lâu có thể giúp cải thiện sức khỏe của những người có nguy cơ cao mắc Alzheimer. Ngoài ra, việc ngồi quá lâu suốt nhiều giờ còn gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, đồng thời gây rút ngắn tuổi thọ.
Trước đó, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho biết, ngồi hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày khiến bạn dễ bị những vấn đề về tiểu tiện. Những vấn đề này có thể bao gồm đi tiểu rắt, dòng chảy nước tiểu chậm và tiểu không tự chủ – gọi chung là các triệu chứng đường tiết niệu dưới (LUTS).
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Kangbuk Samsung ở Seoul đã chỉ ra rằng ngồi có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho vùng chậu.
Thùy thái dương gồm 2 thùy nằm gần hai bên tai, ứng với cơ quan thích giác, ngôn ngữ và ký ức. Chức năng của thùy thái dương là hiểu, ghi nhớ, tường thuật và chuyển trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn. Nếu thùy thái dương tổn thương đồng nghĩa với việc không hiểu được các âm thanh nghe được, giảm thính giác và dễ mắc bệnh mất trí nhớ (Alzheimer). |
Phương Nam