Nhiều người tôn sùng “chủ nghĩa độc thân”, tuy nhiên các nghiên cứu khẳng định nó có thể sớm mang lại nhiều rắc rối hơn là lợi ích. Cuộc sống độc thân có nguy cơ trầm cảm, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ hơn nhiều cuộc sống lứa đôi.
Một kết luận rút ra từ nghiên cứu trên gần 100 nghìn người dân của quần đảo Nhật Bản có độ tuổi từ 40 đến 80. Nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, ở những người độc thân nam, nguy cơ bị chết bởi các bệnh đường hô hấp tim mạch cao hơn từ hai đến ba lần so với những người có gia đình. Tỷ lệ trên ở người độc thân nữ có thấp hơn nam nhưng vẫn cao hơn người có cuộc sống lứa đôi. Và gần đây nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cuộc sống độc thân có thể mang đến nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe như:
Sa sút trí tuệ sớm
Nhóm nghiên cứu đến từ University College London (UCL – Anh) đã phân tích dữ liệu của 800.000 người trên toàn thế giới và khảo sát kết quả của 15 nghiên cứu khác. Họ nhận thấy việc sống đời độc thân khiến nguy cơ sa sút trí tuệ sớm tăng lên đến 42%. Ở người từng kết hôn nhưng sau đó trở về đời độc thân hoặc góa bụa, nguy cơ cũng tăng 20%.
Sau khi nghiên cứu nhóm cũng đã tìm ra được một phương án đẩy lùi chứng mất trí – Sa sút trí tuệ dường như “vô phương cứu chữa”, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở nhiều quốc gia. Phương thuốc đó chính là một cuộc sống lứa đôi – Kết luận vừa công bố trên tạp chí khoa học The Journal of Neurology, Neurosurgery & Psychiatry.
Nghiên cứu này được triển khai nhằm góp phần chống lại Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác, vốn là nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu ở Anh, có tỉ lệ cao hơn cả đau tim.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một nghiên cứu năm 2014 thực hiện trên hơn 3,5 triệu người tại Mỹ cho thấy, người độc thân có nhiều hơn 5% khả năng phát triển bệnh tim mạch so với những người kết hôn.
Không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều như nhau, nhưng phần lớn các chuyên gia cho rằng kết hôn luôn tốt cho tim. Trong một nghiên cứu ở 9.000 người do Đại học Texas (Mỹ) thực hiện năm 2006 cho thấy, có sự khác biệt về nguy cơ mắc bệnh tim mạch giữa những người đã có gia đình và những người độc thân. Theo đó, những người độc thân thường đối mặt với nguy cơ tim mạch cao hơn những người đã kết hôn.
Nguy cơ trầm cảm
Có 25% trong số 3.500 người từ 35 – 60 tuổi ở Phần Lan sống một mình 7 năm đã phải cần đến sự hỗ trợ của thuốc chống trầm cảm. Con số cao hơn những người sống với gia đình, anh chị em và bạn cùng phòng.
Người sống độc thân có thể suy yếu kỹ năng xã hội và sinh ra “Cảm giác xa lánh xã hội”. Tiến sỹ Laura Pulkki-Råback, Đại học Helsinki phụ trách nghiên cứu cho biết: “Những người sống một mình hoài nghi hơn trong thái độ của họ“. Bà giải thích “Hoài nghi và sống một mình có thể làm nảy sinh tâm lý tuyệt vọng và cảm xúc tiêu cực, cuối cùng dẫn đến trầm cảm“.
Khi sống cùng bạn đời, mỗi người thường dễ dàng duy trì các thói quen tốt hơn, thông qua những việc họ phải làm cùng nhau. Đồng thời, không thể phủ nhận giá trị của sự chăm sóc mà các cặp đôi dành cho nhau và sự hỗ trợ lẫn nhau trong giữ gìn sức khỏe và điều trị bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy điều này có giá trị phòng ngừa đối với hầu hết các dạng bệnh tâm thần – tâm lý.
Ngoài ra, cuộc sống lứa đôi còn giúp phát triển năng lực của não gọi là “dự trữ tri giác”, giúp bạn chịu đựng được sự hư hỏng của não bộ lâu hơn. Năng lực này được tạo ra bằng cách duy trì đời sống tinh thần và xã hội tích cực, điều mà người “có đôi” dễ tìm thấy hơn.
Cao Sơn
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.