Nhóm vi khuẩn Staphylococcus aureus – Tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA), được quan sát thấy dưới kính hiển vi. Chủng vi khuẩn “tụ cầu” phổ biến này gây nhiễm trùng ở các bộ phận khác nhau của cơ thể – bao gồm da, phổi và các khu vực khác. MRSA đôi khi được gọi là “siêu vi khuẩn” vì nó không đáp ứng với nhiều loại kháng sinh.
Nhiễm trùng da MRSA: Dấu hiệu và triệu chứng
Nhiễm trùng MRSA có thể xuất hiện dưới dạng một vết sưng nhỏ màu đỏ, nổi mụn hoặc nhọt. Khu vực này có thể mềm, sưng, ấm nóng khi chạm vào. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng này là nhẹ, nhưng chúng có thể thay đổi, phát triển sâu hơn và nghiêm trọng hơn.
1. MRSA: Tương tự như vết côn trùng cắn
Bọ xít cắn, phát ban và các vấn đề về da khác có thể bị nhầm lẫn với MRSA vì các triệu chứng tương tự nhau. Các bác sĩ cấp cứu thường hỏi những bệnh nhân nghĩ rằng họ bị nhện cắn xem họ có nhìn thấy nhện không. Những “vết cắn” này có thể là MRSA. Khi nhiễm trùng da lan rộng hoặc không cải thiện sau 2-3 ngày dùng kháng sinh thông thường, hãy liên hệ với bác sĩ.
2. Nhiễm trùng da MRSA: Viêm mô tế bào
MRSA cũng có thể dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng các lớp da sâu hơn và các mô bên dưới chúng. Viêm tế bào có thể lây lan nhanh chóng trong vài giờ. Da trông hồng hoặc đỏ, giống như bị cháy nắng, có thể nóng nhẹ và sưng. Tình trạng thường ảnh hưởng đến chân và cánh tay, nhưng đây không phải là vị trí duy nhất.
3. Nhiễm trùng da MRSA: Áp-xe
Nhiễm trùng da do tụ cầu khuẩn, bao gồm MRSA, dễ bị áp-xe. Áp-xe là một cục u dưới da chứa đầy mủ, sưng đau và tấy đỏ. Điều trị có thể cần dẫn lưu, phẫu thuật và kháng sinh.
Làm thế nào để mọi người phát hiện bị MRSA?
MRSA lây lan bằng cách chạm vào người bị nhiễm bệnh hoặc vật phẩm bị phơi nhiễm khi bạn có vết thương hở. Nó cũng có thể lây lan qua ho, hắt hơi. Vệ sinh kém – dùng chung dao cạo râu, khăn hoặc dụng cụ thể thao cũng có thể là nguy cơ. Vi khuẩn này thường gặp trên da hoặc niêm mạc mũi của 30% những người khỏe mạnh.
1. Ai là người dễ bị MRSA?
Những người đã phẫu thuật gần đây hoặc nằm viện có nhiều khả năng bị MRSA. Nó cũng được thấy ở những người lớn tuổi, những người sống trong viện dưỡng lão và những người có hệ miễn dịch yếu. Một căn bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư hoặc HIV làm tăng khả năng bạn bị nhiễm vi trùng cứng đầu này. Và việc lạm dụng kháng sinh gần đây cũng là một rủi ro.
2. Bệnh viện liệu có an toàn hơn?
Bệnh viện là nguồn lây nhiễm MRSA chính do lưu lượng nhập viện cao của bệnh nhân bị bệnh hoặc bị thương. Họ đang làm việc để hạn chế vấn đề này. Những nỗ lực bao gồm sàng lọc bệnh nhân MRSA, vệ sinh tay tốt và đeo găng tay. Nếu thực hiện tốt những việc làm trên – Nhiễm trùng MRSA giảm khoảng 50% tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
3. Người khoẻ mạnh có thể bị MRSA không?
Câu trả lời là có. Nhiễm trùng đang xuất hiện nhiều hơn ở người bên ngoài bệnh viện. Những vụ dịch này được gọi là MRSA liên quan đến cộng đồng, được bắt gặp ở trường học, phòng tập gyms, trung tâm chăm sóc sức khoẻ và những nơi tổ chức các hoạt động đông người khác.
MRSA ở chó và mèo nuôi
Có vẻ như MRSA đã ‘nhảy’ từ người sang vật nuôi trong nhà, nơi nó có thể nán lại mà không có triệu chứng rõ ràng. Động vật có thể mang vi khuẩn trên da và có thể ‘trả lại’ ngay cho chủ hoặc lây sang các động vật khác khi có cơ hội.
MRSA trên bãi biển
MRSA đã được tìm thấy trong cát và nước tại các bãi biển ở Mỹ. Vi khuẩn này có thể sống trong nước biển vài ngày và sinh sản trên cát. Một số cách để bảo vệ bản thân: Che vết xước trước khi chơi trên cát, rửa tay thường xuyên, tắm khi bạn ra khỏi nước và không mặc lại đồ bơi mà chưa giặt.
Làm gì khi nghi ngờ bị nhiễm MRSA?
Nếu bạn nghĩ mình đang bị nhiễm trùng da MRSA, hãy liên hệ với trung tâm xét nghiệm tại nhà hoặc đến bệnh viện. Sau đó bạn sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm và gửi nó về phòng xét nghiệm để kiểm tra.
Điều trị nhiễm MRSA
Một số nhiễm trùng có thể chỉ cần được dẫn lưu, làm sạch và băng lại ở phòng khám bác sĩ. Kháng sinh đường uống có thể điều trị MRSA, nhưng vì nó không đáp ứng với những loại thuốc phổ biến như methicillin, amoxicillin, penicillin, oxacillin, và cephalorsporin; bác sĩ có thể sử dụng clindamycin, trimethoprim-sulfamethoxazole hoặc linezolid. MRSA xâm lấn có thể được điều trị bằng việc tiêm tĩnh mạch vancomycin.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang theo dõi nhanh các phương pháp điều trị mới cho MRSA. Tổ chức này đã phê duyệt ba loại kháng sinh mới trong vài năm qua: Dalvance (dalbavancin) và Orbactiv (oritavancin) dùng đường tĩnh mạch và Sivextro (tedizolid phosphate) dùng đường uống.
Nhiễm trùng da MRSA: Chăm sóc tại nhà
Nếu thuốc được kê đơn, điều quan trọng là phải hoàn thành tất cả các liều – ngay cả khi các triệu chứng của bạn mờ dần. Dừng lại sớm có thể khiến nhiễm trùng quay trở lại hoặc cho phép vi khuẩn MRSA miễn dịch với các loại thuốc vẫn còn hoạt động. Giữ vết loét cho đến khi nó lành và thay băng theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng nên giặt sạch ga giường, gối, chăn thường xuyên, khăn tắm và quần áo đã qua sử dụng.
Biến chứng khi nhiễm MRSA
MRSA có thể lây lan từ một nhiễm trùng nhỏ sang một bệnh liên quan đến các cơ quan nội tạng và hệ thống cơ thể của bạn. Nó có liên quan đến viêm phổi và nhiễm trùng máu như nhiễm trùng huyết. Ước tính hiện tại của Hoa Kỳ đạt số ca nhiễm MRSA nghiêm trọng lên tới 90.000 với khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm.
Làm thế nào để tránh MRSA?
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
- Sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn là những cách tuyệt vời để tránh MRSA.
- Lau sạch các bề mặt bạn tiếp xúc ở phòng tập thể dục.
- Đừng chạm vào vết thương hoặc băng gạc của người khác, không chia sẻ vật dụng cá nhân.
- Trong thời gian nằm viện, hãy nhắc nhở nhân viên y tế rửa tay trước khi chạm vào bạn.
Theo WebMD
An Chi biên dịch