Rau sam không chỉ là loại thực phẩm gần gũi thân thuộc với mọi người, mà còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền và hiện đại. Nó có thể chữa được nhiều bệnh thông thường và mạn tính
Rau sam (còn có tên gọi Mã Xỉ Hiện) vì có lá giống hình răng ngựa, ngoài ra còn có những tên gọi khác như rau trường thọ, rau hạt dưa, cỏ ngũ hành. Đây là loại rau mọc dại ở khắp nơi từ bắc đến nam, có tên khoa học là Portulaca Oleracea L thuộc họ rau sam Portulacea.
Cây sam thân mập, mọng nước, màu đỏ tím nhạt. Lá mọc so le, dày, mép có viền đỏ, hoa vàng. Rau thích nghi với những nơi ẩm mát như: vườn nhà, bờ ruộng, bờ kênh mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa, ruộng khoai lang, lạc…
Theo Tây y, trong cây có glycosid saponin, chất nhựa, acid hữu cơ, các muối kali, các vitamin A, B1, B2, C, PP và men ure. Rau sam là loại rau giàu chất dinh dưỡng, chất lượng thay đổi tùy nơi mọc và mùa thu hái. Trong 100g rau sam có 1,4g đạm, 3g đường, 100mg chất béo, 700mg chất xơ, 85g canxi, 56mg photpho, 1,5mg sắt, 68mg magie, 494mg kali, 1.920 UI caroten… và một số vitamin B1, B2, PP, C, E. Các axit béo đặc biệt là omega 3 với tỷ lệ cao nhất so với các thực vật khác. Các axit hữu cơ như axit glutamic, axit nicotinic, axit malic… Còn chứa các chất noradrenalin, dopamin, flavonoid.
Theo Đông y, rau sam có vị chua, tính hàn, vào 3 kinh tâm, tỳ, phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, lương huyết giải độc, cầm máu. Rau có thể giúp co mạch máu, nước sắc của rau sam có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn lị shiga-kruse, vi khuẩn lị hình chữ Y, trực khuẩn Coli, trực khuẩn thương hàn.
Những tác dụng phổ biến của rau sam
1. Tác dụng chống viêm
Sở dĩ rau sam có tác dụng chống viêm nhờ tác dụng của chất nhầy, omega 3 và các khoáng chất trong nó. Những chất này có tác dụng hỗ trợ giúp giảm đau và cảm giác khó chịu, đặc biệt trên đường tiết niệu và tiêu hóa.
Đây là nguồn kháng sinh tự nhiên rất tốt trong hỗ trợ điều trị các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục, tiết niệu, viêm cầu thận, viêm bàng quang, đường niệu đạo chỉ với liều lượng khoảng 500g rau tươi một ngày.
2. Hạ huyết áp
Hàm lượng kali và axit béo Omega-3 trong rau sam tương đối cao, giúp điều hòa cholesterol trong máu, đồng thời làm tăng sức bền của thành mạch, hỗ trợ điều hòa huyết áp ổn định. Rau sam rất giàu sắt và đồng, là 2 chất cần thiết cho một hệ thống tuần hoàn khỏe mạnh, đảm bảo lưu thông máu đi khắp cơ thể.
3. Điều trị các bệnh ngoài da
Theo nghiên cứu được thực hiện tại khoa Dược, Đại học Jordan dùng lá tươi của cây giã nát và đắp ngoài da có thể hỗ trợ giúp nhanh làm lành vết thương.
Trị mụn nhọt: Lấy 30g rau sam, rửa sạch, sau đó giã nát. Bọc toàn bộ thứ rau đã nát này vào một gạc sạch, sau đó đắp lên phần da bị mụn nhọt. Mỗi ngày thay 2 lần. Đắp chừng 3 ngày thì mụn nhọt chín và vỡ.
Chữa chốc đầu của trẻ nhỏ: Lấy 30g rau sam, rửa sạch, sau đó giã nát. Bọc toàn bộ thứ rau đã nát này vào một gạc sạch, sau đó đắp lên phần da bị mụn nhọt. Mỗi ngày thay 2 lần. Đắp chừng 3 ngày thì mụn nhọt chín và vỡ.
4. Tác dụng chống lão hóa
Theo nghiên cứu của Viện Đại học Wollongong (Úc) và Trung tâm Di truyền – Dinh dưỡng – Sức khỏe Washington (Hoa Kỳ), trong 100g lá sam tươi chứa 300-400mg alpha-linolenic acid, 12,2mg alpha-tocopherol, 26,6mg ascorbic acid (vitamin C), 1,9mg beta-caroten và 14,8mg glutathione. Qua kết quả này có thể thấy đây là loại rau giàu chất dinh dưỡng, các acid béo không no và chất chống oxy-hóa.
5. Hỗ trợ ức chế sự phát triển của tế bào ung thư
Các bác sỹ y học cổ truyền Trung Quốc mới phát hiện rau sam có tác dụng hỗ trợ điều trị một số loại ung thư hiệu quả, nó có thể hỗ trợ giúp ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Chữa u thực quản: Rau sam tươi 30g, nấu chín nhừ, thêm ít bột đậu nành để thành món cháo dưỡng sinh, có thể thêm chút mật ong trước khi ăn.
Chữa u đại tràng: Rau sam 20g, phục linh 20g, bại tương thảo 20g, khổ sâm 20g, kê nội kim 20g, hoàng liên 8g, vàng đằng 12g, tam lăng 10g, huyền hồ 10g, xạ hương 4g, cam thảo 6g. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.
Chữa u trực tràng: Rau sam khô 10g, hoa mào gà 30g. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.
6. Tác dụng diệt khuẩn
Rau sam có tác dụng diệt được các loại vi khuẩn như Shigella (gây bệnh lỵ), Salmonella typhi (gây bệnh thương hàn), Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng thường gây mụn nhọt). Ngoài ra cũng diệt được một số nấm gây bệnh.
7. Khỏe xương
Canxi, magie, sắt và mangan trong rau là những yếu tố cần thiết để bảo vệ và duy trì sức khỏe cho xương. Ăn “loài cỏ dại” này thường xuyên có thể hỗ trợ ngăn ngữa bệnh loãng xương.
8. Giảm cân
Với hàm lượng calo thấp, nhưng lại giàu chất xơ, rau sam là thực phẩm hoàn hảo cho những ai muốn giảm cân. Không những thế, loài rau này còn giàu chất dinh dưỡng nên mọi người có thể ăn nhiều mà không sợ tăng cân và thiếu chất.
Lưu ý khi ăn rau sam:
Với những bệnh như ung thư, đái đường, viêm gan, viêm túi mật, viêm thận, cao huyết áp uống nước rau sam sẽ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, đối với những người bị tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, và phụ nữ có thai không nên dùng. Những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng, khi sử dụng rau sam cần phối hợp với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ…
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, do rau có tính hàn nên trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nhất là những người đã từng phá thai, bà bầu cần tránh ăn. Rau sẽ khiến co cơ trơn tử cung, nên thai phụ cần hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, nếu đang trong giai đoạn sắp sinh, bạn có thể ăn nhiều một chút để hỗ trợ giúp dễ sinh.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định