Sau khi phát hiện một trường hợp dương tính với bạch hầu, Sở Y tế Quảng Nam phát hiện thêm 2 trường hợp nghi mắc bệnh. Hiện hai trường hợp này cũng đang được điều trị cách ly.
Bác sĩ Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam trao đổi với báo Dân Trí cho biết, ngày 19/10, Sở tiếp nhận hai trường hợp có biểu hiện giống bệnh bạch hầu là em L.V.T.H. (14 tuổi) và N.V.A.T. (6 tuổi, cả hai đều ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).
Hai em được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi (Tp. Đà Nẵng) để tiến hành điều trị cách ly. Hiện mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân đã được gửi vào Viện Pasteur Nha Trang tiến hành xét nghiệm.
Trước đó ngày 6/10, em V.V.N. (học sinh lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) có triệu chứng sốt cao, đau họng, gia đình đã tự mua thuốc cho N. uống.
Sau 5 ngày, bệnh nhân không thuyên giảm, gia đình xin nhà trường cho N. nghỉ học. Đến ngày 11/10, gia đình đã đưa em N. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (Tp. Hội An).
Tại đây, bác sĩ phát hiện trong họng em N. có một số vết trắng trắng cùng với các biểu hiện giống bệnh bạch hầu. Kết quả từ Viện Pasteur Nha Trang cho biết em N. dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện sức khỏe em N. đã ổn định và không còn có những triệu chứng đau họng, sốt cao.
Như vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện 14 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong.
Căn bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?
Bệnh bạch hầu là tình trạng nhiễm vi khuẩn (Corynebacterium diphtheriae), nhiễm trùng ở đường thở (thanh quản, khí quản) hay vùng mũi hầu tạo nên lớp màng xám gây thở khó, thở rít… Bệnh có thể lây qua đường giọt nước không khí (hắt hơi, ho), dùng chung vật dụng cá nhân hay qua vết thương của người nhiễm bệnh…
Ở nhiều người, khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu thường không có dấu hiệu gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, đặc biệt là trẻ em, bạch hầu có thể gây đau, đỏ, sưng, loét bao phủ vùng hầu, chảy máu mũi, liệt cơ, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, viêm cơ tim rồi dẫn đến thiệt mạng.
Bệnh bạch hầu thường gặp nhất là trẻ em, nhưng người lớn và những người chưa tiêm vaccine cũng có thể nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia, dù hiện nay có thuốc và rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh bạch hầu như: kháng độc tố, kháng sinh, liệu pháp oxy hay mở/đặt nội khí quản, nhưng ngay cả khi được điều trị, người bệnh vẫn có nguy cơ gây thiệt mạng lên tới 3%. Thậm chí, với trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ này còn cao hơn.
Do vậy, việc phòng chống bệnh bạch hầu vẫn là quan trọng hơn cả để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Để phòng bệnh bạch hầu, cách tốt nhất hiện nay là đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
Ngoài ra cần đảm bảo cho trẻ thường xuyên được rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, che miệng khi hắt hơi, ho, giữ vệ sinh cơ thể và hạn chế tiếp xúc với người lạ, người nghi bị nhiễm bạch hầu.
Nếu đang trong đợt dịch cần cho trẻ ở nhà hay lớp học có không gian thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tránh đưa trẻ ra ngoài nhiều và thường xuyên uống thuốc phòng bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần đưa ngay tới cơ sở y tế để sớm được điều trị và can thiệp, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.