300 người phải nhập viện, và có ít nhất 11 người đã tử vong sau khi uống rượu dừa tại các bữa tiệc ở Philippines.
Báo Zing đưa tin, vụ ngộ độc xảy ra ở Laguna và Quezon, hai tỉnh phía Nam Manila. Những nạn nhân đã uống rượu lambonog, loại đồ uống phổ biến thường được sử dụng trong các ngày lễ lớn.
Hầu hết nạn nhân đều bị đau bụng và chóng mặt. Ít nhất 11 đã thiệt mạng và 300 người khác phải nhập viện điều trị. May mắn, 2 người đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Lambonog được nấu từ nhựa dừa, vì vậy nó còn được gọi là rượu dừa hay vodka dừa. Rượu dừa thường rất nặng, nếu chưng cất 2 lần, nó có thể lên tới 80% nồng độ cồn. Nhưng đó chưa hẳn là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt người phải nhập viện. Các nhà chức trách Philippines cho biết việc sản xuất đồ uống thường không được kiểm soát và rượu có thể chứa nhiều chất phụ gia nguy hiểm như methanol.
Ông Ramil Hernaldez, Thống đốc tỉnh Laguna khẳng định sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc này. Ông cũng cho biết Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của nước này liên tục đưa ra cảnh báo về hàm lượng methanol cao đối với các nơi sản xuất rượu dừa. Bộ Y tế Philippines sẽ tiến hành phân tích thêm các xét nghiệm máu bị nhiễm độc.
Báo VnExpress cho biết, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từng cảnh báo về tình trạng sử dụng cồn công nghiệp methanol làm phụ gia trong rượu truyền thống. Đây là chất có độc tính cao, không thích hợp để uống.
Rượu chứa methanol không màu, có mùi đặc trưng và vị ngọt. Người bị ngộ độc rượu methanol có các triệu chứng như giảm ý thức, phối hợp kém, nôn mửa, đau bụng… Hậu quả lâu dài có thể suy thận, mù lòa. Nhiều trường hợp tử vong sau khi uống chỉ một lượng nhỏ do ngộ độc.
Sử dụng methanol trong sản xuất rượu hoặc bất cứ loại thực phẩm nào khác đều bị cấm, nhưng vì vấn đề chi phí và lợi nhuận vẫn khiến nhiều người bất chấp thực hiện.
Năm 2018, có 21 người Philippines đã tử vong do uống rượu dừa.