Ổ dịch thủy đậu xuất hiện tại trường tiểu học xã Đức Lý, Hà Nam với 25 trường hợp mắc bệnh. Lãnh đạo nhà trường cho biết, tính đến ngày 28/2, vẫn còn 5 trường hợp đang được theo dõi, không có ca bệnh diễn biến nặng hay bị biến chứng.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, Hà Nam cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận ổ dịch thủy đậu tại Trường tiểu học xã Đức Lý với 25 trường hợp mắc bệnh, theo Lao Động.
Lãnh đạo trường Tiểu học xã Đức Lý cho biết: Trong buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2018, một học sinh lớp 4 trường tiểu học xã có biểu hiện của bệnh thủy đậu.
Nhưng đến buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, ở 2 lớp 4A, 4B có tới 19 học sinh nghỉ học vì bị thủy đậu.
Trao đổi với Lao Động, bà Vũ Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung Tâm y tế huyện Lý Nhân Hà Nam cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử cán bộ về trường tiến hành phun thuốc khử trùng toàn trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức cho các cháu vui chơi tại lớp phòng trường hợp có cháu đang ủ bệnh lây sang các bạn lớp khác trong trường. Đồng thời, tuyên truyền đến các thầy cô trong nhà trường, cùng các bậc phụ huynh và các em học sinh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để giảm thiểu mắc các bệnh dịch khi chuyển mùa.
Miền Bắc bước vào đợt cao điểm dịch thủy đậu
Trao đổi với Lao Động, TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.
Thủy đậu thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp đông xuân. Trong vụ đông xuân năm nay, khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu. Hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não… Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2017, đỉnh dịch rơi vào tháng 3 với 8.000 ca mắc bệnh, các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca. Trong năm 2018, nếu không có biện pháp phòng ngừa thì nguy cơ dịch thủy đậu bùng phát trên cả nước hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu bệnh nhân thủy đậu trên nền bị các bệnh suy giảm miễn dịch thì có thể có biến chứng viêm phổi nặng thậm chí tử vong.
Trường hợp tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân B.T.M.H, 27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang đang được điều trị tích cực, phải thở ôxy song tiên lượng rất dè dặt do biến chứng của thủy đậu.
Cụ thể, bệnh nhân có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống đã 7 năm nay và hiện đang điều trị nội trú. Bệnh nhân kèm thêm mắc hội chứng Raynaud đã cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4,5 trái chưa cắt.
Tuy nhiên, ngày 1/3, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt ngày thứ 2 và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình.
Chỉ một ngày sau, bệnh nhân khó thở, gắng sức, ho ít, thể trạng suy kiệt… Phim chụp X-quang và các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi.
TS Cường cũng cho biết, hiện đã có thuốc đặc hiệu chống virus thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm. Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra. Bệnh thủy đậu biến chứng nặng sẽ gây viêm phổi, não, ảnh hưởng đến tính mạng. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Cách phòng bệnh – Trẻ em, người cao tuổi, người bị suy dinh dưỡng là nhóm người có nguy cơ lây bệnh cao, tránh tiếp xúc với người bệnh ở khu vực đang xảy ra dịch. – Khi có biểu hiện mắc bệnh phải được khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Không chữa theo kinh nghiệm dân gian như ủ bé lại không cho nổi mụn nước và không tắm cho bé khiến bé bị ngứa, gãi gây nhiễm trùng da. – Đối với những người mắc bệnh phải được cách ly điều trị, chỉ đi học, đi làm trở lại khi bệnh hoàn toàn khỏi, tránh lây lan cho người khác. – Người chăm sóc bệnh nhân cần vệ sinh, rửa tay thật sạch trước và sau khi chăm sóc, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh. – Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. – Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. – Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Vắc-xin có thể tiêm cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu). Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vắc-xin thủy đậu. |
Phương Nam