Mặc dù 8 lần bị căn bệnh ung thư vú hành hạ nhưng nhà khoa học hàng đầu ở Anh, giáo sư Jane Plant vẫn sống khoẻ mạnh thêm gần 30 năm và cuối cùng qua đời vì chứng huyết khối (cục máu đông) do một tác dụng phụ của các thuốc. Nghị lực kiên cường cùng với việc thay đổi toàn bộ thực phẩm sang kiểu chế độ ăn uống lành mạnh của nông dân phương Đông đã làm lên điều kỳ diệu này.
Giáo sư, tiến sĩ Jane Plant được xem như một trong những người dẫn đầu thế giới trong ngành địa hóa, bà đã đảm đương vị trí giám đốc khoa học của Viện giám sát địa chất Anh quốc (BGS) từ 2000 đến 2005, và là giáo sư địa hóa tại Đại học Hoàng gia tại Luân Đôn. Người ta nhớ đến Jane Plant vì nghị lực sống mãnh liệt vượt qua 8 lần ung thư, yêu thương chồng con, và vì hàng loạt công trình nghiên cứu đã xuất bản, đặc biệt là các công trình liên quan đến chế độ ăn uống để chiến thắng căn bệnh ung thư…
Quyết tâm sống vì con trai 6 tuổi
Năm 1993 mặc dù đã trải qua vài lần phẫu thuật, 35 lần xạ trị, chiếu xạ và nhiều lần hóa trị, căn bệnh ung thư vú của nữ giáo sư Jane Plant tái phát lần thứ 5. Lần này, bệnh đã phát triển và hình thành khối u thứ cấp, một cục u ở cổ có kích thước bằng nửa quả trứng luộc. Bà cảm thấy thật khủng khiếp và trông rất nhợt nhạt, và ốm yếu.
Bác sĩ thông báo bà chỉ sống khoảng được vài tháng nữa.
“Lần đầu tiên tôi bị chẩn đoán mắc ung thư khi 42 tuổi. Tôi nghĩ tôi đã chiến thắng được nó. Vậy mà, 5 năm sau, nó lại quay lại với tôi. Nghe mọi người kể lại cậu con trai 6 tuổi đã khóc trong phòng riêng khi nghe tin tôi bị ung thư tiếp, tôi không cho phép mình rời bỏ con. Vì thế, lúc nghe bác sĩ nói tôi chỉ còn sống được 2 tháng nữa, tôi không hề buồn, giận dữ hay sợ hãi. Tôi quyết tâm đi tìm ra một bài thuốc để cứu mình, để mãi được sống cùng con”, bà Plant nhớ lại.
Vợ chồng bà đều là nhà khoa học, bà là một nhà hóa sinh, còn ông Peter là một nhà địa chất. Cả 2 đã từng làm việc ở Trung Quốc một thời gian dài. Họ nhận thấy phụ nữ ở quốc gia đông dân nhất thế giới này mắc ung thư vú rất ít.
Một nghiên cứu dịch tễ học từ những năm 70 của thế kỷ trước cho thấy 1/100.000 phụ nữ Trung Quốc mới mắc ung thư vú, trong khi tỷ lệ này ở Phương Tây là 1/12.
“Tôi đã kiểm tra thông tin này từ những nhà nghiên cứu cao cấp. Các bác sĩ Trung Quốc mà tôi biết cũng nói rằng trong nhiều năm qua, họ ít khi gặp trường hợp mắc ung thư vú nào. Nếu phụ nữ Trung Quốc có chế độ ăn giống như người phương Tây, nếu họ sống ở Mỹ hoặc Australia thì tỷ lệ mắc ung thư vú cũng tương tự như thế. Tôi nói với Peter rằng đó là lí do tại sao phụ nữ Trung Quốc ít mắc ung thư vú”, bà Plant kể lại.
Với tư tưởng không còn gì để mất, giáo sư Plant đã chuyển sang một chế độ ăn uống kiểu Châu Á, tức là không uống sữa, mặc dù bà vẫn đang điều trị hóa trị.
Sau khi cắt giảm protein từ động vật như thịt, cá và trứng, hiện nay, bà cắt giảm tất cả các sản phẩm từ sữa, bao gồm cả loại sữa chua hữu cơ mà bà đã ăn trong vài năm qua. Trong vòng 6 tuần, cục u ở cổ đã biến mất. Trong vòng 1 năm, bệnh tình thuyên giảm. Và 18 năm kể từ đó, bà đã không bị căn bệnh ung thư vú hành hạ.
Lần ung thư thứ 6
Nhằm thuyết phục mọi người rằng chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định trong điều trị ung thư, bà đã thiết kế Chương trình Plant, một chế độ ăn không uống sữa, thay bằng protein thực vật như đậu nành.
Chế độ này tương tự như thói quen ăn uống truyền thống ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Ban đầu, chương trình này chỉ hướng tới những phụ nữ mắc căn bệnh ung thư vú. Dần dần, nó còn phù hợp với những bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Năm 2000, cuốn sách đúc kết những trải nghiệm của bản thân trong cuộc chiến với ung thư vú, mang tên “Cuộc sống chính trong đôi tay bạn” của giáo sư Plant đã được xuất bản và gây tiếng vang trong dư luận.
Cuốn sách đặc biệt dành phần lớn đất để giới thiệu những bệnh nhân chiến thắng ung thư nhờ chế độ ăn uống này.
Thế nhưng năm 2011, căn bệnh ung thư vú vẫn chưa tha cho bà. Giáo sư Plant tái mắc bệnh lần thứ 6 khi phát hiện một khối u lớn ở bên dưới xương đòn và một số khối u nhỏ trong phổi.
Do phải dành nhiều thời gian để viết một cuốn sách chuyên ngành, bà đã nới lỏng cả chế độ ăn lẫn lối sống của mình. Ăn uống nhiều hơn, có cả những thực phẩm bị “cấm” và tập luyện không đều đặn.
“Tôi đã nói thẳng vấn đề này với bác sĩ và được kê thuốc gây ức chế letrozole. Nhưng tôi cũng muốn quay trở lại chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt của mình cũng như đi bộ và thiền đều đặn. Sau vài tháng, bệnh ung thư của tôi đã biến mất”.
Tuy nhiên, giáo sư Plant cũng phải áp dụng phương pháp điều trị ung thư phổ biến như cắt bỏ tuyến vú, hóa trị, xạ trị và sử dụng phép trị liệu bằng tia X ở cả buồng trứng.
Bà tin rằng những phương pháp điều trị ung thư “mới” và “kỳ diệu” là rất quan trọng. Nhưng Plant vẫn muốn nhấn mạnh một chế độ dinh dưỡng không có sữa cũng như lối sống và chế độ ăn hàng ngày đóng vai trò quan trọng không kém, và then chốt là nó kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư.
10 bước để giảm nguy cơ ung thư và chiến thắng ung thư
Trong cuốn sách thứ 2 mang tên “Đánh bại Ung thư”, bà đã đưa ra 10 bước để giảm nguy cơ ung thư cũng như chiến thắng ung thư, bao gồm ăn nhiều rau củ quả, giảm ăn thịt đỏ, muối, đường và chất béo, tập thể dục đều đặn và giảm căng thẳng.
Nhưng thông điệp sâu xa hơn là một chế độ ăn uống hoàn toàn không bao gồm các sảm phẩm từ sữa như sữa, phô mai, bơ và sữa chua. Đây là cách lấy đi thức ăn của các tế bào ung thư. Sữa và các loại thực phẩm từ sữa khác có chứa hormone estrogen, hormone này thúc đẩy sự phát triển của khối u.
“Dẫu biết sữa rất tốt. Nhưng giờ có bằng chứng cho thấy thực phẩm này rất nguy hiểm, không những với ung thư vú, mà còn các bệnh ung thư liên quan đến hormone như tuyến tiền liệt, tinh hoàn và buồng trứng”, giáo sư Plant giải thích.
Giáo sư Plant thừa nhận khuyên bệnh nhân ung thư hay những người cần phòng ngừa thay đổi thói quen ăn uống “quả là một yêu cầu không tưởng”.
“Nhiều người lo lắng nếu không uống sữa, họ sẽ thiếu canxi. Nhưng họ có thể nhận canxi từ nhiều nguồn thực vật khác”, bà Plant khẳng định.
Các nhà khoa học hiện nay tin rằng tế bào ung thư trưởng thành trong môi trường acid. Thịt đỏ có tính acid thúc đẩy tế bào ung thư phát triển mạnh hơn. Hơn nữa, thịt có thể chứa dư lượng kháng sinh, hormone và ký sinh trùng lưu giữ lại trong cơ thể khiến ung thư ngày càng tiến triển nhanh.
Sau 27 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú với 6 lần tái phát, giáo sư Plant là một minh chứng thuyết phục cho những ai chưa tin rằng chế độ dinh dưỡng góp phần chiến thắng căn bệnh ung thư.
“Là một nhà khoa học, tất cả những gì tôi có thể làm là nói lên sự thật dựa trên các bằng chứng. Tôi viết cuốn sách đầu tiên bởi vì tôi không muốn con gái mình, Emma, 39 tuổi đi vào vết xe đổ của tôi. Còn cuốn sách mới nhất là dành tặng cho tất cả mọi người”.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG “ĐÁNH BẠI UNG THƯ”
Giáo sư Plant khuyên những bệnh nhân ung thư hoặc những người có nguy cơ cao mắc ung thư giảm các sản phẩm có nguồn gốc động vật, từ bò, cừu, dê…. Thay vào đó là:
– Uống sữa từ hạnh nhân, dừa, gạo hoặc sữa đậu nành
– Ăn đậu phụ thay cho pho-mát cứng hoặc nước sốt
– Sữa chua được làm từ đậu nành hoặc dừa
– Bơ có thể được làm từ đậu phộng hoặc các loại hạt khác
– Socola đen
– Sử dụng dầu oliu và dầu dừa nguyên chất để nấu, dầu vừng hoặc dầu hướng dương để trộn salad
– Các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt chưa tinh chế, bột mỳ và gạo lứt
– Rau tươi, nước ép hoa quả tươi
– Hạn chế ăn thịt đỏ, cá và trứng
– Sử dụng nhiều thảo dược
Theo Telegraph
Hoàng Kỳ
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.