Bệnh nhân T.T.T (54 tuổi) nhập viện trong tình trạng 3 lần ngưng thở, mỗi lần kéo dài 30 phút may mắn thoát chết nhờ các bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định (Tp.HCM) áp dụng phương pháp “ngủ đông”.

Theo Công Lý, khoảng 5h30 phút ngày 12/6, bệnh nhân T. có tiền sử đái tháo đường, đang tập thể dục đang tập thể dục, bỗng đau ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ ra đường, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu.

Khoảng 10 phút sau nhập viện, bệnh nhân đột ngột ngưng tim. Ngay lập tức, bệnh nhân T. được hồi sức tim phổi, sốc điện, tiêm thuốc vận mạch. Sau 30 phút, bệnh nhân hồi phục tuần hoàn.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp, tiên lượng nặng, chuyển bệnh viện Nhân dân Gia định để tái thông mạch vành vì bệnh viện Đa khoa Thủ Đức không có phương tiện, máy móc, đội ngũ thực hiện.

Khi được chuyển vào Khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân T. bỗng ngưng tim lần thứ 2 trong 30 phút. Các bác sĩ vừa hồi sức tim phổi vừa đẩy vào phòng can thiệp mạch vành cấp cứu.

Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh, Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh nhân được chuyển qua đơn vị chăm sóc mạch vành, đặt máy hạ thân nhiệt chỉ huy từ 37 độ C xuống 33 độ C, duy trì trong vòng 24h. Đây là kỹ thuật “gấu ngủ đông” (hay còn gọi là kỹ thuật đông lạnh) nhằm giúp đông lạnh tất cả tế bào trong cơ thể để giảm sự chuyển hóa, giúp bảo vệ và phục hồi tế bào não.

Sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu có dấu hiệu tỉnh táo, sinh hiệu ổn định. Các thuốc vận mạch đã ngưng sử dụng. Tuy nhiên, bệnh nhân có biểu hiện suy đa cơ quan do ngưng tim, ngưng thở kéo dài.

Hiện, bệnh nhân được chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) để thở máy, lọc máu cải thiện chức năng, thận, hô hấp…

Các bác sĩ khuyến cáo, những người có triệu chứng đau ngực, tức ngực nên đến bệnh viện sớm để được khám và chẩn đoán. Bệnh nhồi máu cơ tim hiện càng trẻ hóa, chủ yếu ở đàn ông, đặc biệt ờ những người hút thuốc lá.

Lan Phương