Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), người hút thuốc sẽ được tiếp xúc với một hỗn hợp vô cùng độc hại của hơn 7.000 tạp chất trong khói thuốc. Trong đó, hơn 70 loại hoá chất có khả năng gây ra ung thư.
Các hoá chất trong khói thuốc lá có thể gây hại gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động cũng gặp tác hại tương tự.
Ngoài một số hoá chất độc hại có sẵn trong cây như nicotin, cadmium, chì thì đa số các chất khác được tạo ra hoặc thêm vào trong quá trình sản xuất. Khi điếu thuốc được đốt lên sẽ tạo ra nhiều hoá chất độc hại hơn ảnh hưởng trực tiếp lên hệ hô hấp, hệ thần kinh, mạch máu, nội tiết, gây ra các vấn đề về tim mạch, não bộ và các bệnh ung thư.
Có thể kể đến một số chất như, Asen (trong thuốc trừ sâu, có mặt trong thuốc diệt chuột), Amoniac (sử dụng trong chất tẩy rửa, phân bón), Toluene (hoá chất độc hại cao, dùng trong chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, cao su, chất nổ), Polonium 210 (nguyên tố phóng xạ – được sử dụng trong vũ khí hạt nhân cũng như nguồn nhiệt nguyên tử), Methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)…
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, tại Hoa Kỳ, hút thuốc lá gây tử vong mỗi năm nhiều hơn số người do 5 nguyên nhân kết hợp bao gồm: virus gây suy giảm miễn dịch ở người – HIV, ma tuý, nghiện rượu, tai nạn giao thông và sự cố liên quan đến súng cầm tay.
Theo VTC14, tại Việt Nam, có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá mỗi ngày, con số này đang có xu hướng ngày càng tăng và có nguy cơ trẻ hóa. Mỗi giờ có 5 ca tử vong, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan tới tác hại của thuốc lá, gấp 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm.
Hút thuốc lá làm giảm sức khoẻ tổng thể, tăng sự suy giảm trong công việc, tăng cường chi phí điều trị bệnh. Do vậy, cai bỏ thuốc lá là một việc làm bức thiết nhằm tạo nên môi trường sống lành mạnh cho bạn, gia đình và cộng đồng.
Mộc Chi