Mỗi dịp Tết, các bà nội trợ thường mua sắm các loại thực phẩm như thịt, cá, rau củ quả dự trữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, làm sao để trữ thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe thì không phải bà nội trợ nào cũng nắm rõ.
Ngày Tết là ngày đoàn tụ của các gia đình. Tâm lý người nội trợ, ai cũng muốn cho mấy ngày tết no đủ và có nhiều thời gian đi chơi tết, vì vậy tích trữ nhiều thực phẩm trong những ngày tết là nhu cầu tất yếu của các bà nội trợ ở mỗi gia đình Việt.
Trao đổi với Vietnamnet, Tiến sĩ Lâm Văn Mân, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ – Viện An toàn thực phẩm cho biết, việc sử dụng thực phẩm để trong tủ lạnh lâu ngày rất dễ gây lên tình trạng ngộ độc. Dù ở trong môi trường nhiệt độ thấp, rất nhiều vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập vào đồ ăn. Khi ăn, vi khuẩn sẽ đi vào cơ thể bằng đường ruột gây đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy cấp…
Ngoài ra, thực phẩm để trong tủ lạnh có khả năng mất chất dinh dưỡng. Thậm chí, khi chế biến đồ ăn sẽ giảm chất lượng, không còn giữ hương vị tươi ngon. Khi đưa các thực phẩm vào sử dụng, yếu tố gây hại sẽ làm suy giảm chức năng của các cơ quan nội tạng trong cơ thể như dạ dày, đại tràng, gan, ruột…
Để bảo đảm an toàn cho bữa ăn ngày tết của mỗi gia đình trong những ngày đoàn tụ thêm đầm ấm ý nghĩa, các bà nội trợ nên chú ý hơn về cách bảo quản thực phẩm, thức ăn chín đúng cách trong những ngày Tết như sau:
Bảo quản thực phẩm tươi sống
– Thịt gia cầm/cá hải sản: Được làm sạch (bỏ riêng phủ tạng), rửa sạch, pha thành từng lượng vừa đủ cho 1 lần chế biến cho vào hộp đựng thực phẩm rồi dán/buộc kín nắp hộp rồi cho vào ngăn đá.
– Rau lá: Nhặt bỏ các lá úa, rễ và phần không ăn được cho vào túi nilon (nếu rau khô ráo) và cất vào ngăn rau tủ lạnh ăn đến đâu rửa sạch đến đấy trước khi chế biến. Nếu rau đã dính nước thì phải rửa sạch và để ráo nước rồi cho vào túi nilon bảo quản.
– Rau củ (khoai tây, cà rốt, đậu Hà Lan): Gọt bỏ vỏ, rửa sạch xắt khúc, để ráo cho vào tủ đá có thể ăn trong vòng 1 tuần.
– Dưa hành, củ kiệu: Khi cắt gốc, nhớ không cắt vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng.
Đun sôi thật kỹ nước ngâm với lượng muối vừa đủ không quá nhạt thì sẽ để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.
Bảo quản thức ăn chín
– Bánh chưng: Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa bên ngoài trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ.
Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.Treo bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu.
Nếu có tủ lạnh cho vào ngăn đá có thể bảo quản được hàng tháng nhưng khi ăn phải rã đông và luộc/rán lại.
– Nem rán (chả giò rán): rán xơ, loại mỡ thừa (bằng giấy thấm dầu mỡ), để nguội xếp vào hộp kín để ngăn mát (để lâu hơn cho vào ngăn đá,) khi ăn bỏ ra đem rán vàng.
– Lạp sườn: Để có thể giữ được lâu hãy lấy một cái hộp lớn, đặt vào giữa một cốc rượu trắng rồi xếp lạp sườn xung quanh. Hương rượu tỏa ra sẽ ngăn ruồi, muỗi, kiến rất hiệu quả, nhờ đó lạp sườn trong và sau Tết vẫn rất thơm ngon.
– Các loại mứt: Các loại mứt và trái cây khô thường chứa nhiều đường nên rất dễ chảy nước, làm mất ngon và dễ bị mốc. Muốn bảo quản được lâu, cần để vào lọ đậy kín, ăn đến đâu lấy đến đó, không nên dồn những đồ ăn chưa hết vào trở lại lọ.
Những thực phẩm này cũng không nên cất vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.
– Giò chả: Để bảo quản cần bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn đổ mồ hôi. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất, nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp, nên luộc lại.
– Thịt kho, cá kho: Nấu thật kỹ, khi nhấc xuống bếp cần để ở một nơi cố định, tránh lắc mạnh. Có thể cho nồi nước khác lớn hơn, mức nước cách miệng nồi thịt/cá kho khoảng 10-15cm để tránh nước tràn vào, đậy bằng vung đất nung.
Nước trong nồi lớn sẽ bốc hơi lên vung, làm tỏa hơi mát xuống nồi thức ăn bên dưới. Như vậy sẽ bảo quản được lâu hơn.
– Măng khô: Nếu muốn để lâu, cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút, để lửa nhỏ, đun tiếp một lát rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch. Dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội ngâm dùng dần.
Cứ 2 – 3 ngày thay nước một lần. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và ngon, chỉ nên ngâm từng ít một, ăn trong 2 – 3 ngày, hết lại nấu tiếp để dùng.
Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác. Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh, cần tăng độ lạnh, nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu.
Tránh để gần các đồ ăn tươi sống. Bảo quản, trữ thức ăn đúng cách, đun thật sôi khi lấy thực phẩm chín ra ăn, bảo quản kỹ càng nhóm thực phẩm ăn lạnh… sẽ hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tốt nhất không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết làm thức ăn kém ngon, dễ hỏng gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phương Nam