Một nghiên cứu quy mô lớn với hơn 6,3 triệu người trưởng thành tại Đan Mạch, đã phát hiện, Diclofenac – một loại thuốc kháng viêm giảm đau, có thể làm tăng nguy cơ đau thắt ngực hoặc đột quỵ lên đến 50%.
Theo Daily Mail, Diclofenac là một loại thuốc kháng viêm không steroid (non-steroidal anti-inflammatory drug – NSAID), được sử dụng để giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, giảm đau sau phẫu thuật …
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học từ bệnh viện Đại học Aarhus (Đan Mạch), do Morten Schmidt đứng đầu, đã phân tích dữ liệu của hơn 6,3 triệu người Đan Mạch trưởng thành .
Tất cả những bệnh nhân này đã được kê toa sử dụng thuốc giảm đau ít nhất 1 năm trước khi nghiên cứu bắt đầu vào tháng 1/1996. Nhóm bệnh nhân sử dụng NSAID có độ tuổi trung bình từ 46-49 tuổi và nhóm bệnh nhân bắt đầu dùng paracetamol – một loại thuốc giảm đau khác có độ tuổi trung bình là 56.
Để phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu, đã chia các bệnh nhân thành các nhóm dựa trên các yếu tố nguy cơ tim mạch: Thấp, trung bình và cao.
Họ đã phát hiện ra rằng, Diclofenac liên quan mật thiết với sự gia tăng các vấn đề và biến chứng về tim mạch như rối loạn nhịp tim, đột quỵ, suy tim và nhồi máu cơ tim… trong vòng 30 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị, so với ibuprofen, naproxen hoặc paracetamol.
Khi sử dụng Diclofenac, nguy cơ sẽ tăng lên rõ rệt qua từng năm so với những người dùng thuốc khác hoặc không dùng thuốc.
Trên những bệnh nhân có nguy cơ bệnh lý tim mạch thấp, sau khi dùng Diclofenac thì trung bình có nhiều hơn 1 cơn đau thắt ngực hoặc đột quỵ so với những người dùng ibufrofen hay naproxen.
Những người không dùng thuốc có ít hơn 4 cơn đau thắt ngực hoặc đột quỵ so với những người dùng Diclofenac. So sánh với nhóm người dùng paracetamol, thì người dùng Diclofenac có nhiều hơn 3 cơn đau thắt ngực hoặc đột quỵ. Nguy cơ đau thắt ngực và đột quỵ có thể xảy ra trên cả hai giới nam nữ và ở mọi lứa tuổi, ngay cả bệnh nhân dùng liều thấp.
Tăng nguy cơ tim mạch trên bệnh nhân sử dụng NSAID đã được nhận biết qua nhiều nghiên cứu trước đây. Chẳng hạn như, hai tác giả McGettigan và Henry đã phân tích tổng quan hệ thống những yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan đến NSAID trong những nghiên cứu quan sát và nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên. Trong hai nghiên cứu quan sát, kết quả cho thấy diclofenac làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim từ 38-39%, gia tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch 40%. Trong một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, diclofenac liên quan đến gia tăng 63% nguy cơ bệnh lý tim mạch so với nhóm không sử dụng thuốc này. Các tác giả đã kết luận rằng, diclofenac, thậm chí dùng liều thấp cũng có thể liên quan đến tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.
Nghiên cứu vừa được công bố này có cỡ mẫu rất lớn và do đó, tính xác thực của kết quả càng được khẳng định.
Ủy ban đánh giá rủi ro dược phẩm của Cơ quan dược phẩm châu Âu cũng đã đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng sản phẩm này dựa trên kết quả báo cáo của Hội Tim mạch Châu Âu. Từ năm 2015, các nhà chức trách Anh quốc đã đưa Diclofenac vào nhóm thuốc kê toa vì những quan ngại về nguy cơ tim mạch.
Bộ y tế và xã hội Anh quốc cũng đã đưa ra những lời khuyên cho diclofenac như sau
- Diclofenac chống chỉ định với những bệnh nhân:
- Thiếu máu cơ tim
- Bệnh mạch máu ngoại biên
- Bệnh lý mạch máu não
- Suy tim xung huyết độ II -VI theo phân độ NYHA (New York Heart Association)
- Những bệnh nhân này nên được chuyển sang một phương pháp điều trị thay thế.
- Điều trị diclofenac trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch (ví dụ, tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc) nên được cân nhắc.
Với kết quả này, nhóm tác giả nghiên cứu hiện nay đang kêu gọi một chiến dịch hành động toàn cầu để bảo vệ bệnh nhân thiết thực hơn. Ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, diclofenac được xem là một thuốc không kê toa, và có sẵn ở nhà thuốc. Vì thế, việc sử dụng sản phẩm này cũng nên được cân nhắc.
Tổng Hợp