Trong khi nhiều người lo sợ vì huyết áp cao thì ngược lại rất ít người quan tâm tới huyết áp thấp. Tuy nhiên huyết áp thấp được xem như “sát thủ” giấu mặt, nguy hiểm không kém.
Huyết áp là sức đẩy của dòng máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể, mỗi khi tim đập là lúc huyết áp cao nhất và gọi là huyết áp tâm thu. Khi tim nghỉ, khoảng thời gian giữa 2 lần tim đập thì huyết áp giảm đi, đó là huyết áp tâm trương.
Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người sẽ có chỉ số huyết áp tương ứng. Theo các chuyên gia tim mạch, chỉ số 120/70 là giá trị bình thường, giúp cho máu có thể chuyển đi một cách đầy đủ đến các mô. Tuy nhiên, nếu chỉ số này hạ ở ngưỡng 90/60mmHg thì máu sẽ không đủ lực để đẩy tới nơi cần đến. Và chỉ số này người ta gọi là bệnh huyết áp thấp.
Huyết áp thấp nguy hiểm không kém
Khi bị tụt huyết áp nhiều lần, chức năng hệ thống thần kinh suy giảm, cơ thể không kịp điều chỉnh để cung cấp dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận, khiến chúng bị tổn thương.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí là tử vong. Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%.
Ngoài ra, tụt huyết áp cấp có thể gây sốc cho cơ thể, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nếu như đang lái xe, làm việc trên tầng cao…
Các triệu chứng thông thường:
- Mệt mỏi, lả và rất muốn được nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt.
- Khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn.
- Suy giảm khả năng tình dục.
- Da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc.
- Vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh.
- Thở dốc, nói như hụt hơi nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày…
Huyết áp thấp dễ xảy ra ở những người:
- Quá lao lực, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ… ngay cả khi họ không có vấn đề về tim mạch, béo phì, tiểu đường.
- Cơ thể bị suy nhược do làm việc quá sức, stress, mất ngủ, với người phải áp dụng giảm cân vì mắc các bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường.
- Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormone của tuyến giáp, sẽ có nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp, kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc.
- Do đường huyết suy giảm. Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi.
- Hàm lượng huyết sắc tố hemoglobin thấp. Khi hàm lượng hemoglobin thấp tức là dưới mức 9g/dl sẽ khiến cho lượng oxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng hoa mắt, chóng mặt.
- Nhịp tim chậm. Nếu nhịp tim đập dưới 60 nhịp trong một phút, sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể dẫn tới bệnh huyết áp thấp.
Kiểm soát huyết áp thấp
Theo các bác sĩ, tốt nhất người bị huyết áp thấp nên tuân thủ theo chế độ sinh hoạt và ăn uống như sau:
- Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, không nên bỏ bữa, vì nhịn đói sẽ gây tụt huyết áp do hạ đường huyết. Người huyết áp thấp thường có nhu cầu ngủ nhiều hơn người bình thường.
- Ăn mặn hơn người bình thường (10-15g muối / người so với mức 5-7g /người ).
- Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, Yoga,…
- Ngủ đủ giấc, tránh làm việc căng thẳng và lưu ý nên dùng ngay một tách café, trà đường nóng, dùng gừng, nhân sâm khi bị tụt huyết áp.
- Đi lại từ tốn, uống nhiều nước, giảm uống rượu, lưu ý ăn uống đủ chất, có thể ăn nhiều bữa trong ngày nhưng không được lạm dụng bột và đường.
Minh Thành tổng hợp
Xem thêm:
- Tạm biệt thuốc hạ huyết áp nhờ tuyệt chiêu đậu trắng + tỏi
- Bệnh tim mạch, kẻ giết người thầm lặng và những ngộ nhận sai lầm
- Sự tái sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.