Báo cáo mới đây về tình trạng không khí toàn cầu do viện nghiên cứu Health Effects Institute (HEI) của Mỹ, trên 95% dân số toàn cầu đang phải hít thở không khí ô nhiễm và các tác nhân gây bệnh hô hấp hàng ngày.
Trong báo cáo, ước tính có khoảng 6,1 triệu người trên toàn thế giới tử vong năm 2016 do ô nhiễm môi trường. Trước đó, tháng 4/2017, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ra cái chết cho khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. 92% các trường hợp thương vong, sống chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
HEI cũng đã chỉ ra, ô nhiễm không khí đứng thứ 4 trong các mối hiểm họa đe dọa tính mạng con người trên toàn thế giới, chỉ sau huyết áp cao, béo phì và hút thuốc.
Bob O’Keefe, Phó giám đốc HEI cho biết: “Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt, những người mắc bệnh về hô hấp. Tổ chức của chúng tôi cũng ghi nhận sự gia tăng mức độ ô nhiễm ở nhiều nước trên thế giới. Việc cần làm bây giờ là nỗ lực giảm thiểu thảm họa này”.
Năm 2016, WHO đã đưa ra số liệu cho thấy, khu vực Đông Nam Á và bờ tây Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia… là những quốc gia bị ô nhiễm nặng nhất.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước phải chịu trách nhiệm cho hơn 50% ca tử vong trên toàn cầu vì ô nhiễm không khí. Năm 2016, khoảng 1,1 triệu người ở Ấn Độ đã tử vong do ô nhiễm.
Tại Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện phần nào, trong khi ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh lại gia tăng chóng mặt từ năm 2010. Ở các quốc gia này, tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn như khói, rác thải khu công nghiệp, đốt than củi để nấu ăn, sưởi ấm…
Không khí ô nhiễm mang theo phân tử nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5) di chuyển vào phổi và hệ tuần hoàn gây ung thư phổi, tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Thu Hương