Mới đây thanh tra của Bộ NN&PTNT đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh sử dụng chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.
Qua việc thanh tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh TACN, thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide trong “Bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu TACN cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.
TACN chứa cyanuric acide “chỉ có độc, không có đạm”
Trả lời báo Lao Động, TS Trần Hồng Côn – Khoa Hoá, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Cả ba chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide đều là những chất “đạm (nitơ) không protein” và không độc. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng liều lượng nhất định trong thức ăn và nước uống cho gia súc.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) 3 hoạt chất có thành phần cấu trúc khá giống nhau. Tuy nhiên, một hoá chất phụ gia trong TACN được công nhận là an toàn cho động vật nhai lại, chưa chắc đã an toàn cho các vật nuôi khác và con người.
Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Bộ NNPTNT đã trao đổi với PV Báo Lao Động nhấn mạnh: Chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide được bổ sung vào nguyên liệu TACN cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm tăng độ đạm.
Việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN cho chất cyanuric acide, dicyandiamide, ammelide vào TACN chỉ nhằm đánh lừa người chăn nuôi, vì thực chất việc nâng cao độ đạm này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng. Chất “đạm” được cho vào TACN chỉ là đạm giả.
Hóa chất tạo “đạm giả” trong TACN gây họa tử thần
Theo một công trình nghiên cứu được website của Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ KHCN) dẫn lại từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), axit Cyanuric là chất có cấu trúc tương tự như Melamine. Nó có độc tính thấp trong động vật có vú, khi cho chuột ăn với lượng khoảng 7.700mg/kg trọng lượng cơ thể.
Một số nghiên cứu về độc tính ngắn hạn đã cho thấy, axit Cyanuric làm hỏng các mô của thận, kể cả làm giãn nở các ống nhỏ trong thận, hoại tử hoặc tăng sinh các biểu mô mạch, làm tăng các tế bào ưa kiềm, tăng tế bào Neurophil, lắng cặn khoáng hoặc xơ hoá.
Nếu chỉ có một mình melamin thì không độc với liều thấp. Dựa vào một số nghiên cứu trên động vật, FDA tính mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày của melamin là 0,63mg/kg thể trọng/ngày.
Mức độ này được ước tính dựa trên kết quả nghiên cứu về tác động của melamin đối với động vật chứ chưa phải trên người.
Riêng đối với trẻ nhỏ, nếu nguồn sữa bị nhiễm melamin thì trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm độc cũng như mức độ nguy hiểm càng cao và dễ tử vong. Khi melamin vào cơ thể, chúng không được chuyển hóa tại gan mà đào thải trực tiếp qua thận.
Trong máu, khi melamin gặp axit cyanuric, chúng sẽ phản ứng với nhau trong các ống thận gây tắc nghẽn làm cho ống thận không tạo được nước tiểu và cũng không đào thải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến suy thận, hoại tử thận thậm chí là tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, tình trạng buôn bán các hóa chất trộn vào thức ăn chăn nuôi này đã diễn ra từ vài năm nay và hầu như rất nhiều loại “bột cá” được kẻ gian trộn loại đạm giả này để trục lợi.
Phương Nam