Mới đây, công chúng được phen chấn động với loạt bài phóng sự trên trang Zing và Vnexpress về những vụ buôn bán nội tạng phi pháp. Tuy nhiên, một số người, nhất là giới trẻ có suy nghĩ rằng có cầu, có cung là quy luật tất yếu, tại sao không cho phép buôn bán nội tạng để người bệnh có tạng chữa bệnh, người mua có tiền trang trải nhu cầu cá nhân?
Thành tựu cấy ghép tạng phát triển đã đem đến cơ hội sống thêm cho những bệnh nhân trước ngưỡng cửa tử thần. Trước tiến bộ y học, nhiều bộ luật về ghép tạng của các quốc gia đã ra đời, nhưng tinh thần chung đều là coi hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, vì mục đích nhân văn cao cả, không được phép thương mại hóa dưới bất kể lý do gì. Gần như tuyệt đại đa số đều cấm thương mại hóa nội tạng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đóng vai trò nổi bật trong việc lên án buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Năm 1987, WHO khẳng định hành vi thương mại hóa nội tạng vi phạm Bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Năm 1991, WHO đưa ra 9 nguyên tắc hướng dẫn về ghép tạng, nêu rõ tạng người không thể là đối tượng giao dịch tài chính.
Có lẽ với nhiều người tư duy kinh tế thị trường đơn thuần sẽ tự đặt câu hỏi, có cầu có cung, tại sao chúng ta không hợp pháp hóa, người ghép được tạng, người mua được tiền trang trải nhu cầu cá nhân, vẹn cả đôi đường.
Trên thực tế bất cứ ai cũng không muốn một bộ phận cơ thể thiêng liêng do cha mẹ ban cho trở thành món hàng được bày bán, rõ ràng điều này vi phạm nghiêm trọng đạo đức và quyền con người. Người nhiều tiền sẽ là người có lợi, người ít tiền có thể phải rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng. Khi cho phép tiền bạc là phương tiện để nhận tạng, chứ không phải xuất phát từ tinh thần nhân văn cao cả của người hiến, thì những tội ác ghê rợn nhất cũng có thể nảy sinh để kiếm lời.
Trên thực tế, gốc rễ duy trì sự ổn định xã hội văn minh của nhân loại hoàn toàn không phải là các không phải luật lệ, càng không phải các quy luật kinh tế mà là nền tảng đạo đức với những giá trị thiện lương phổ quát. ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ – Từ sâu thẳm trong thâm tâm mỗi người, dù là kẻ sát nhân, trộm cướp đến tổng thống, thì cũng đều đồng ý vô điều kiện với giá trị phổ quát này và cũng mong được người khác đối xử tốt với bản thân mình.
Thương mại hóa nội tạng đồng nghĩa với phá vỡ rào cản đạo đức, khi đó điều gì cũng có thể xảy ra.
Thực tế việc giao dịch nội tạng đã bị cấm ở nhiều nước, nhưng tại nhiều nơi hoạt động buôn bán tạng chui vẫn âm thầm diễn ra, khi nội tạng có thể được giao dịch thì mầm mống của tội ác đang dần nảy nở. Tại nơi buôn bán tạng được chính phủ ngầm hậu thuẫn, một trong những tội ác kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử con người đã và đang khiến cả thế giới chấn động.
Khi nội tạng trở thành hàng hóa
Trở lại với câu chuyện trên về buôn bán tạng được đăng tải trên các kênh truyền thông gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết những người bán thận đều có hoàn cảnh khó khăn, gia cảnh túng quẫn buộc họ phải bán đi một phần cơ thể thông qua tay cò, nhưng chỉ nhận được phần nhỏ số tiền người mua trả. Để rồi nghèo vẫn hoàn nghèo vì đây không phải cách làm giàu bền vững. Chưa kể sau khi “bán” tạng, họ sẽ đứng trước một số nguy cơ sức khỏe do khiếm khuyết trên thân thể.
Trên thế giới, thị trường buôn bán tạng khá nhộn nhịp ở những vùng nghèo khó như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan. Một người Bangladesh tên Mehdi Hasan được một tay môi giới nội tạng chợ đen hứa trả 300.000 taka (4.000USD) cho 60% lá gan của mình. Sau cuộc giải phẫu 10 giờ, Hasan thấy mình bị bỏ rơi trong một bệnh viện. Người môi giới đã bỏ đi mà chẳng hề trả cho anh một đồng nào. Câu chuyện của Hasan là điển hình cho những người nghèo ở Bangladesh, thường tìm đến các đường dây mua bán nội tạng như một giải pháp cuối cùng vì quá túng quẫn.
Nhằm tìm kiếm nguồn tạng, nhiều tay cò sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ những con người đang trong ngõ cụt. Vào cuối tháng 5-2012, cảnh sát Israel bắt giữ 10 thành viên của một nhóm tội phạm quốc tế bị nghi ngờ buôn bán nội tạng ở châu u. Các quan chức cho biết các nghi phạm nhắm vào những người nghèo khổ ở Moldova, Kazakhstan, Nga, Ukraine và Belarus.
Ở cấp độ cao hơn, trong một vụ việc tại Italia, cảnh sát đã phát hiện đường dây buôn người hoạt động ở Sicily, một điểm đến đầu tiền của những di dân từ châu Phi hoặc Trung Đông. Đầu tiên, những di dân không đủ tiền chi trả cho chặng đường di cư tiếp theo sẽ bị nhóm buôn người giam lại. Sau đó, chúng sẽ liên hệ với một tổ chức tội phạm người Ai Cập chuyên giết người để mổ cướp nội tạng, với giá bình quân 15.000USD/người.
Tại Việt Nam, năm 2016 VTV đưa tin cảnh báo về nạn mua bán người lấy nội tạng đã xảy ra trên cả 63 tỉnh thành. Theo đó các đối tượng người Việt Nam cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, tổ chức thành từng toán đột nhập vào nhà dân để giết người, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em.
Mổ cướp tạng sống được chính phủ hậu thuẫn
Những tội ác nảy sinh từ buôn bán tạng được đẩy lên đến đỉnh điểm tại một quốc gia nơi hoạt động này được chính phủ ngầm hậu thuẫn. WHO đã nhiều lần lên án việc mua bán cơ quan tạng người ở Trung Quốc, chẳng hạn tại Brussels năm 1985, tại Madrid năm 1987 và tại Stockholm năm 1994. Tương tự, năm 1995 Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã tổ chức buổi điều trần về vấn đề mua bán bộ phận cơ thể người ở Trung Quốc
Theo tuyên bố trên website của Trung tâm Hỗ trợ cấy ghép quốc tế Trung Quốc (CITAC), họ chỉ cần mất 1 tuần để tìm được thận thích hợp cho khách hàng, lâu nhất cũng chỉ 1 tháng. Trong khi đó, thời gian chờ có tạng phù hợp ở các quốc gia khác là hàng năm trời, ở Hoa Kỳ là 3 năm rưỡi. Điều đó đã đặt ra nghi vấn: Trung Quốc lấy nguồn tạng từ đâu, khi các quốc gia Á Đông có quan niệm “chết toàn thây”, việc đất nước này có nguồn tạng không lồ là điều khó giải thích.
Đến năm 2006, tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng. Các cuộc điều tra quốc tế sau đó đã phát hiện hàng loạt chứng cứ cho thấy chính quyền Trung Quốc tiến hành giết tù nhân lương tâm lấy nội tạng một cách có hệ thống, trong đó đa số là các học viên Pháp Luân Công – một môn khí công tu luyện ôn hòa thuộc trường phái Phật Gia.
Bà Anna, vợ cũ của một cựu bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc đã tiết lộ, từ cuối năm 2001 đến tháng 10/2003, chồng bà đã lấy đi giác mạc của 2.000 học viên Pháp Luân Công còn sống, nội tạng của họ cũng bị mổ cướp, sau đó thi thể bị hỏa thiêu mà không được sự đồng ý của người nhà.
Trước nhiều cáo buộc, hai nhà hoạt động nhân quyền là cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập để tìm hiểu sự thật. Ngày 6/7/2006, hai ông công bố bản báo cáo điều tra cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công, và nói rằng đây là “hành động tà ác nhất từ trước đến nay chưa từng có trên hành tinh này”.
Cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” được xuất bản vào năm 2007 của hai ông David Kilgour và David Matas cho thấy một loạt các chứng cứ chứng minh chính quyền Trung Quốc đã hậu thuẫn cho việc mổ cướp nội tạng những người tu Pháp Luân Công. Hai ông Matas và Kilgour đều được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho nỗ lực điều tra về tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc
Cộng đồng quốc tế phơi bày cuộc trấn áp mà Trung Quốc che giấu…
Theo các chứng cứ thu thập được thì các học viên Pháp Luân Công bị cưỡng bức mổ lấy tạng khi họ còn đang khỏe mạnh. Trong quá trình mổ lấy các bác sĩ dùng rất ít hoặc không dùng thuốc mê. Nạn nhân bị mổ cướp nội tạng ở trạng thái hấp hối nhưng chưa chết và phải vùng vẫy trong tuyệt vọng, đây là một hành vi sát nhân vô cùng tàn nhẫn.
Cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 1999, khi cựu Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức cấp cao đã phát động cuộc đàn áp tín ngưỡng phi pháp những người tu luyện Pháp Luân Công. Các chiến lược chính của ông Giang trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công bao gồm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giam phi pháp và trở thành nguồn tạng sống để các bệnh viện được chính phủ hậu thuẫn trục lợi.
Những năm gần đây, thế giới đã có nhiều nghị quyết lên án cuộc bức hại cũng như tội ác mổ cướp nội tạng. Sau gần 1 năm thảo luận và điều tra kể từ khi được đề xuất vào tháng 6/2015, Nghị quyết 343 của Hạ viện Hoa Kỳ khóa 114 đã được 180 thành viên lưỡng đảng thông qua. Điều đáng chú ý là nghị quyết nhấn mạnh sự liên quan của chính phủ Trung Quốc trong hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Cụ thể, lời kêu gọi đầu tiên trong 6 lời kêu gọi của NQ343 là: “Lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
1. Lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc.
2. Kêu gọi chính phủ Trung Quốc lập tức chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng từ tất cả các tù nhân lương tâm.
3. Yêu cầu ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại người tu tập PLC kéo dài 16 năm do chính phủ Trung Quốc tiến hành, lập tức thả tất cả các tù nhân bị bức hại.
Trích Nghị quyết 343 – Hạ viện Hoa Kỳ khóa 114.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của cuộc đàn áp xuất phát từ sự lo sợ mất quyền lực vô căn cứ của ông Giang Trạch Dân khi số lượng học viên Pháp Luân Công vượt quá số lượng đảng viên. Trong lịch sử ĐCSTQ cũng từng tiến hành nhiều cuộc đàn áp vào các đối tượng khác nhằm mục đích kiểm soát quyền lực, như trong Đại Cách mạng Văn hóa, thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn.
Nhiều thảm họa đều xuất phát từ những bánh xe trật khỏi lằn ranh đạo đức. Trong xã hội Trung Quốc nơi các giá trị đạo đức xã hội đang dần bị xói mòn như một hệ quả tất yếu của cuộc đàn áp và bôi nhọ những học viên Pháp Luân Công lấy Chân Thiện Nhẫn làm tiêu chuẩn sống, một cuộc thảm sát kinh hoàng đã và đang diễn ra dưới sự hậu thuẫn ngầm của Chính Phủ.
Có những ý kiến cho rằng nếu hợp pháp hóa buôn bán tạng một cách công khai và minh bạch sẽ hạn chế các hành vi buôn bán nội tạng ngầm tàn ác, nhưng không ai dám đảm bảo các tội ác sẽ không nảy sinh ghê gớm hơn dưới nhiều hình thức khác, nhất là khi đồng tiền đã xóa nhòa ranh giới đạo đức và quyền con người…
Đại Hải
Bác sỹ Trung Quốc trở thành những kẻ giết người như thế nào!