Mới đây, bệnh viện Quận Thủ Đức (Tp.HCM) đã nội soi phế quản, gắp thành công hạt hồng xiêm kích thước 2 cm mắc kẹt trong đường thở nữ bệnh nhân D.T.M.L (48 tuổi, Thủ Đức) suốt 4 năm.
Theo Pháp Luật Tp.HCM, chiều ngày 5/10, chị L. nhập viện có triệu chứng ho nhiều, sốt… Sau khi nội soi phế quản, các bác sĩ phát hiện dị vật có màu đen, dạng elip, kích thước khoảng 2 cm.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được gắp dị vật là hạt hồng xiêm ra ngoài. Sau 1 ngày, sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định.
Cách đây khoảng 4 năm, trong lúc hai mẹ con chị L đang ăn quả hồng xiêm thì không may bị ho sặc, hạt vướng vào cổ họng.
Chị dùng tay móc họng nhưng hạt vẫn không ra. Sau đó, chị đã lấy cơm và nước để nuốt nhằm đẩy hạt xuống bao tử, một lúc sau thấy bình thường lại nên yên tâm.
Khoảng 3 tháng sau, bệnh nhân L. bắt đầu có triệu chứng ho liên tục, có đờm… mỗi lần ho chị lại mua uống thuốc, lúc đó triệu chứng có giảm nhưng khi ngưng thuốc lại ho. Nhiều lần chị đã đi khám và điều trị bệnh ở nhiều nơi, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại tái phát.
Bác sĩ Lê Hoàng Hải, Khoa Nội tổng quát cho biết, nếu không phát hiện kịp thời bệnh nhân L. có thể gặp phải các biến chứng như viêm phổi liên tục, nặng có thể gây xẹp phổi hoặc áp xe phổi.
Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo, nếu khi ăn bị sặc, ho, có triệu chứng đau tức ngực, ho dữ dội, cần đi khám ngay. Không nên cố lấy dị vật ra, nhất là khi dị vật đã đi vào đường hô hấp. Nếu để lâu, điều này có thể dẫn tới viêm phổi tái phát nhiều lần.
Hạn chế cho trẻ đùa nghịch hoặc chơi các đồ chơi nhỏ khi ăn, do trẻ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở. Đối với các loại trái cây có hạt, đặc biệt là quả hồng xiêm, nên xẻ theo chiều ngang để lấy hạt ra trước khi ăn để tránh bị hóc.
(Tổng hợp)