Sau gần 3 giờ, ê-kíp bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đã cầm máu, cứu sống nam bệnh nhân L.V.T, 47 tuổi (Ô Môn, Cần Thơ).
Theo Dân Trí, trước đó khoảng 5 ngày, bệnh nhân T. bị chảy máu mũi không liên tục đã điều trị nhưng không giảm và được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị ngày 24/8.
21h cùng ngày, bệnh nhân rơi vào trạng thái lơ mơ, niêm nhợt, huyết áp tụt, mất máu cấp dù đã được truyền máu, truyền dịch tích cực.
Bệnh nhân T. được chẩn đoán bị chảy máu mũi gây mất máu cấp mức độ nặng/tăng huyết áp và không đáp ứng với biện pháp điều trị cầm máu thông thường và nhét mesh mũi.
Các bác sĩ đã phải can thiệp nội mạch tắc mạch máu mũi để cầm máu. Sau gần 3 giờ, ê-kíp can thiệp đã kết thúc thủ thuật an toàn, các nhánh mạch máu cung cấp máu cho vùng mũi 2 bên đã tắc hoàn toàn và cầm máu thành công.
Hiện, bệnh nhân T. đã tỉnh, tiếp xúc tốt, không còn chảy máu mũi, đang được điều trị và theo dõi tại khoa Tai Mũi Họng, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Đại diện bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ trao đổi với Người Lao Động, đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện thành công trường hợp can thiệp mạch tắc máu mũi trong điều trị.
Nguyên nhân của chảy máu mũi rất đa dạng: Tự phát (60-88 %), chấn thương (6-7 %), bẩm sinh (1,4 %), đặc biệt các bệnh lý giãn mao mạch xuất huyết di truyền (Hereditery hemorrhagic telangiectasia – HHT) hay Osler – Weber – Rendu chiếm tỷ lệ thấp (2-4 %) nhưng là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu mũi tái phát. Các yếu tố nguy cơ gây chảy máu mũi bao gồm tình trạng tăng huyết áp, hút thuốc lá, dùng thuốc kháng đông hay sau xạ trị…
Phương Nam