Nam giới sau tuổi 30 sức khỏe dần tuột dốc, bắt đầu trở nên phát tướng, đau lưng, mỏi gối, thể lực, tinh lực suy yếu. Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe vào giai đoạn này? Một vài người nghĩ tới đầu tiên đó là cần bổ thận, điều này có thực sự đúng?

Theo Đông y, Thận là tiên thiên chi bản, những cụ ông nhiều tuổi bổ thận một cách thích đáng là điều nên làm, tuy nhiên ở vào tuổi trung niên, điều cần nhất làm lại là ‘dưỡng gan’.

Can chủ về tàng huyết, chủ về sơ tiết. Sơ tiết là sự thư thái, thông thường còn gọi là “điều đạt”. “Sơ” có nghĩa là làm thưa ra, mở ra, thư giãn, thư thái, khai thông…; “tiết” có nghĩa là tiết ra, lọt ra, tiết lộ, trút bỏ… “Sơ tiết” là tìm cách loại bỏ những ức chế, bế tắc trong tâm nhằm đạt được sự thư thái, bình thản về thể xác và tinh thần.

Trong y học cổ truyền, những phương pháp như “sơ biểu giải tà” “sơ tán phong tà”, “sơ phong tiết nhiệt”, “sơ phong hóa thấp”, “sơ can lý khí”, “sơ can giải uất” cũng nằm trong ý nghĩa trừ bỏ tà khí ra bên ngoài, làm lưu thông khí huyết và lập lại cân bằng âm dương trong hoạt động của các tạng phủ.

Trong cuộc sống thường nhật, đôi khi ta gặp phải những việc không vui, không hài lòng gây bực bội, áp lực tâm lý cáu gắt, mệt mỏi và dễ sinh bệnh. Can khí chủ về sơ tiết giúp cho sự vận hành của khí các tạng phủ được dễ dàng, thông suốt, thăng giáng được điều hoà.

Can khí sơ tiết kém sẽ có những biểu hiện bệnh lý đặc biệt ở tình chí và sự tiêu hoá. Can khí bình thường, thì khí huyết vận hành điều hòa, tinh thần thoải mái. Trái lại can huyết sơ tiết kém sẽ gây tình trạng khí bị uất kết hay hưng phấn quá độ. Can khí uất kết biểu hiện: Ngực sườn đầy tức, u uất, hay thở dài, kinh nguyệt không đều, thống kinh… Can khí xung thịnh gây cáu gắt, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…

Sự sơ tiết của Can có ảnh hưởng lớn đến sự thăng giáng của Tỳ Vị. Nếu can khí uất kết hay can khí hoành nghịch có thể thấy các triệu chứng đau cạnh sườn, đau thượng vị, kém ăn, ợ hơi, ợ chua, tiêu chảy gọi là chứng “can tỳ bất hoà” hay “can vị bất hoà”…

Bấm huyệt Thái Xung sẽ có tác dụng trực tiếp tới Can, giúp quá trình giải độc của Can được thực hiện một cách hiệu quả (Ảnh: soha.vn)

Nam giới ở độ tuổi trung niên đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp lại thêm những lo toan, gánh vác xây dựng gia đình. Áp lực và ức chế về tâm lý cũng như tinh thần dễ làm can khí uất kết không thông từ đó dễ sinh ra các vấn đề về tâm lý như cáu kỉnh, khó chịu, lo lắng. Ngoài ra còn những tàn phá cơ thể khác ảnh hưởng như rượu bia thường xuyên, và các bệnh lý về gan đều tiềm ẩn. Vậy làm sao để chăm sóc và bảo vệ tạng Can cho nam giới ở nhóm tuổi này?

Phương pháp bảo vệ Can

1. Massage huyệt vị

Phương pháp trực tiếp nhất là thường xuyên luyện tập, massage các huyệt vị.

Bước 1: Xoa nhẹ huyệt Đại Đôn

Ngồi thẳng người hai chân xếp bằng, để chân không, dùng ngón tay cái bên trái ấn vào huyệt huyệt Đại Đôn ở chân phải (Huyệt ở đốt thứ nhất ngón chân cái, cách bờ ngoài gốc móng khoảng 0,1 thốn (0,2cm) 15 lần sau đó thay đổi massage huyệt ở chân trái 15 lần.

Bước 2: Ấn huyệt Thái Xung

Ngồi thẳng xếp bằng hai chân, bàn tay ôm lấy bàn chân và các ngón tay có thể đè ấn vào huyệt Thái xung (Huyệt nằm ở mặt trên bàn chân, vị trí ở chỗ lõm giữa đầu sau xương bàn, xương ngón chân cái và ngón chân thứ 2). Tốt nhất là dùng ngón cái của tay trái day bấm đều huyệt vị ở bên phải khoảng 20 lần và đổi tay thao tác tương tự. Huyệt Thái xung được Đông y xem là huyệt gốc của kinh Can tạng, là nơi khí gan hội tụ. Bấm huyệt Thái xung là cách giúp Can tăng cường nguyên khí, khỏe mạnh và hoạt động ổn định hơn.

Bước 3: Xoa huyệt Tam Âm Giao

Ngồi thẳng xếp bằng, dùng ngón cái của tay trái ấn vào huyệt Tam âm giao ở cổ chân phải (Huyệt Tam âm giao nằm ở chỗ lõm sau bờ xương chày trên mắt cá chân khoảng 6,5 cm) thuận chiều kim đồng hồ 15 lần, sau đó thay đổi dùng ngón tay cái của tay phải ấn vào huyệt ở cổ trái thao tác tương tự. Theo y học cổ truyền, huyệt có công năng bổ Tỳ thổ, thông khí trệ, sơ tiết vùng hạ tiêu, điều khí nghịch, khử phong thấp ở kinh lạc, kiện tỳ, sơ can, ích thận.

Bước 4: Hai phương pháp xoa đẩy hỗ trợ

Hai tay đặt và ấn vào dưới hai nách, thuận theo khe hở chỗ xương sườn xoa lên phía trước ngực tới khi hai tay tiếp xúc với nhau, lặp lại động tác 30 lần.

Trà hoa hồng có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng lo âu, mệt mỏi và tăng sức đề kháng cho cơ thể. (Ảnh: kknews.cc)

2. Chú ý ăn uống

Chú ý lựa chọn các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ bổ gan để đạt được công dụng bồi bổ hiệu quả. Sữa, trứng, thịt nạc, các chế phẩm từ sữa… đều là những thực phẩm cung cấp lượng protein phong phú cho gan có thể bổ sung trong thực đơn hằng ngày. Sử dụng lượng vừa đủ các loại thực phẩm có chứa Monosaccharide và Disaccharide dễ tiêu hóa như đường glucose, sucrose, mật ong, nước trái cây để tăng dự trữ glycogen ở gan.

Sơn tra là loại thực phẩm chứa axit ursolic phong phú, sử dụng nó có thể hỗ trợ giảm tích tụ mỡ động vật trong thành mạch máu và có tác dụng nhất định trong ngăn ngừa và giảm nguy cơ xơ cứng động mạch. Ví dụ, hằng ngày có thể ăn sơn tra tươi, hoặc uống trà sơn tra khô. Cũng có thể cho vào gà hầm để giúp tiêu hóa.

Trà xanh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu hóa và loại bỏ ngấy ngán. Theo y học cổ truyền, Can bị thượng hỏa là do can khí ứ đọng, dẫn đến tình trạng nóng trong và gây ra nhiều bệnh lý khác. Để tránh gặp phải tình trạng này, các thầy thuốc Trung y kiến nghị mọi người có thể sử dụng một số loại trà giải nhiệt vào dịp cuối đông đầu xuân như trà hoa cúc hoặc trà quyết minh tử để sáng mắt, thanh can, trà hoa hồng để thư can giải uất. Thường xuyên uống các loại trà này đều có thể bảo vệ Can. Câu kỷ tử có tác dụng từ bổ can và thận, dưỡng can sáng mắt, có thể pha trà, hầm làm canh hoặc nấu cháo. Các loại hạt như quả óc chó, quả hồ đào… đều có thể thư can lý khí và giảm bớt lo lắng.

Ngoài ra, nên uống nhiều nước, ngày từ 3 – 4 lần, mỗi lần 500 ml. Nước lọc có thể làm gia tăng lưu thông máu, cải thiện sức sống của tế bào gan và tạo điều kiện trao đổi chất và thải độc từ đó bảo vệ gan hiệu quả.

Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch