Hoàng Đôn Hoà quê ở thôn Đan Khê, xã Thanh Oai, tổng Thanh Oai thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay là làng Đa Sỹ, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội), rất tinh thông nghề y dược. Thời vua Lê Thế Tông, ông được cử làm Điều hộ lục quân, cứu chữa cho thương bệnh binh trong quân đội nhà Lê bằng thuốc hoàn tán chế sẵn (gọi nôm na là thuốc viên) cùng các vị thuốc khác, đánh thắng quân nhà Mạc. Với công lao này, có thể coi Hoàng Đôn Hòa là một trong những người đặt nền móng cho Quân y Việt Nam.

Vào đầu thế kỷ 16, dưới mái tranh nghèo làng Đan Khê, Hoàng Đôn Hòa được sinh ra và lớn lên. Từ nhỏ cậu bé Đôn Hòa đã ham mê tìm hiểu cây cỏ, thường hỏi han các cụ trong làng, rồi dần dần biết rõ dược tính của các loại cây khắp miền.

Lớn lên Đôn Hòa thi đỗ Giám sinh nhưng ông không muốn ra làm quan mà chỉ dạy học trong làng. Đồng thời ông thực hiện ước mơ ấp ủ từ bé là được hành nghề y chữa bệnh cho người.

Dưới đời vua Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa (1533 – 1548), dịch bệnh lan tràn. Ông đã phát tiền gạo và cho thuốc nhân dân, cứu sống rất nhiều người nên dân làng tôn xưng ông là vị phúc tinh, thanh danh của ông vang lừng khắp nước. Người dân xem ông như Hoa Đà, Biển Thước tái thế, coi ông là phúc tinh, danh tiếng ông cũng vang xa.

Tượng Danh y Hoàng Đôn Hòa
Tượng Danh y Hoàng Đôn Hòa

Bấy giờ, trong triều công chúa Phương Anh bị bệnh, nhiều thầy thuốc chữa không khỏi, nhưng đã được ông chữa khỏi mau chóng. Nhà vua mến tài gả Phương Anh công chúa cho ông. Phương Anh (sau đổi là Phương Dung) phục tài chữa bệnh và mến phục đức giúp dân của chồng, nên xin về quê giúp chồng tiếp tục nghề thuốc. Hoàng Đôn Hòa và Phương Dung công chúa tự trồng, kiếm lấy thuốc, chọn lọc cây thuốc để chữa bệnh cho dân. Trong những năm dịch bệnh, nhân dân đã được cứu chữa tận tình và chu cấp cả tiền gạo.

Đến đời vua Lê Thế Tông, quân nhà Mạc tiến đánh Thái Nguyên, triều đình nhà Lê muốn cất quân đi đánh nhưng e ngại nơi đây lam sơn chướng khí khiến binh lính bị bệnh. Năm 1574, Vua trưng tập Hoàng Đôn Hòa đi phục vụ quân sĩ, giữ chức Điều bộ lục quân.

Đôn Hòa dùng thuốc hoàn tán chế sẵn cùng các vị thuốc có ở địa phương để chữa bệnh cho binh sĩ và người dân khỏi bị sốt rét và thổ tả. Trong khi đó, công chúa Phương Dung cùng những người giúp việc liên tục cấp phát thuốc men.

Cuối cùng quân nhà Lê cũng thắng trận trở về. Hoàng Đôn Hòa được thăng chức Thị nội Thái y viện thủ phiên, đứng đầu coi việc chữa bệnh trong cung. Ngoài ra ông còn được phong tước Lương Dược Hầu. Với công lao này, có thể coi Hoàng Đôn Hòa là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Quân y Việt Nam.

Tuy vậy, Đôn Hòa không muốn lưu lại kinh thành mà xin trở về quê, vua Lê Thế Tông nài không được. Đôn Hòa về quê nhà, mở lớp dạy học trò và đi khắp nơi chữa bệnh cho thiên hạ.

Ngày nay Viện nghiên cứu Hán Nôm vẫn lưu giữ một số bài thuốc của Hoàng Đôn Hoà. Ngoài ra nhiều bài thuốc của ông còn được ghi chép trong cuốn “Hoạt nhân toát yếu”.

Sự tận tình tìm thuốc quý chữa bệnh cho dân của Hoàng Đôn Hòa và công chúa Phương Dung được người dân làng Đa Sỹ lưu truyền đến nay. Công chúa Phương Dung không quản khó nhọc cùng chồng lội suối lên non tìm cây thuốc quý đưa về trồng, lại chăm chỉ bào chế thuốc.

Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa (Báo Bình Phước Online).

Hoàng Đôn Hoà không chỉ quan tâm đến thuốc trị bệnh, ông cũng coi trọng khí công, nhắc đến phép thanh tâm quả dục để dưỡng sinh. Những điều này đều có trong cuốn sách “Hoạt nhân toát yếu”.

Ông nắm rất rõ các cây cỏ làm thuốc sẵn có ở nước ta, lại biết nhiều phương pháp bào chế: thang, hoàn, tán, cao đan với cách uống, xoa, rịt, chườm, bôi… Ở vào hoàn cảnh bấy giờ, có được người thầy thuốc hết lòng thương dân, hết lòng cứu chữa cho mọi người, đó là phúc lành cho đời, cho dân vậy. Vì thế niên hiệu Dương Hòa năm thứ 5 (1639), vua đã ban sắc tặng ông, bà là “Y Quốc Phúc Hựu, Khải Tường Hựu Hậu Đại Vương”.

Tương truyền rằng hai thế kỷ sau, một hậu sinh kế thừa các bài thuốc của Hoàng Đôn Hòa là Trịnh Đôn Phác cũng một lần nữa vang danh thiên hạ. Trịnh Đôn Phác chữa khỏi nhiều chứng bệnh nan y cho người dân, được làm Thủ phiên tại Thái y viện. Trong lần đi sứ, ông đã trổ tài chữa được bệnh nan y tại triều đĩnh Mãn Thanh. Có nơi nói là chữa cho Hoàng đế Càn Long, có nơi nói là chữa cho Hoàng hậu, nơi lại nói là chữa cho người trong hoàng thất. Trịnh Đôn Phác nhờ việc này mà được phong Lịch thế y. Vua nhà Thanh đã gửi sang tặng đền thờ Hoàng Đôn Hoà một cái choé bằng sứ, một cây đèn nến, một cái áo thờ bằng gấm tím và đôi câu đối.

Xét về dược học, cụ Hoàng Đôn Hoà đã nêu trên 300 vị trong đó 265 vị là thuốc Nam để bổ sung công dụng như lá Chỉ thiên, vỏ Dưa chuột chữa phạm phòng, Huyết dụ chữa bạch đới, lậu, đái giắt, Gỗ vang chữa ỉa chảy, lá Thanh Táo, cỏ Răng cưa đắp vết thương chảy máu.

Về điều trị vết thương, cụ đã trọng dụng Đại hoàng và vôi, trầu; chữa voi, ngựa, trâu bò bị dịch truyền nhiễm, mắt đỏ, họng đau không nuốt được thì dùng lá cốt khí tím, cỏ Chỉ thiên, sắn giây, gừng già cho uống. Dùng bột Bồ kết thổi vào lỗ mũi trâu bò bị nghẹt thở sẽ khỏi. Dùng Củ nâu, lá Đậu ván, lá Duối chữa trâu bò đau bụng. Kể một vài vị như thế để thấy tính dân tộc đại chúng của trước tác. Ngoài ra, cụ Hoàng Đơn Hoà còn đưa thuyết Thanh tâm triết học, kèm phương pháp Tĩnh công hô hấp. Ông tóm tắt phép dưỡng bệnh:

Bẩm sinh cá tính éo lé
Rượu ngon gái đẹp bét nhè làm sao
Tiếc thay bệnh phát lúc nào
Ngàn vàng dốc hết, thuốc vào như không.

Nhờ cách dùng giản tiện và tác dụng độc đáo, tác phẩm Hoạt nhân toát yếu đã trở thành những phương thuốc hay của dân tộc, là một cống hiến cho nền y dược lâu đời của nước ta. Chúng ta nên và cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm thêm những tác dụng độc đáo của các vị thuốc trên.

Miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa ở làng Đa Sỹ.

Sau khi vợ chồng Hoàng Đôn Hòa mất, người dân làng Đa Sỹ, Kiến Hưng, Hà Đông đã lập miếu thờ. Công lao của ông đã được dân làng ghi tạc 3 bức hoành phi “Âm dương hợp đức”, “Lương y quốc”, “Thọ tư dân”. Nhiều câu chuyện về hai vợ chồng danh y được người dân nhớ mãi. Người dân xem ông như “Dược vương” và khắc câu đối thờ Hoàng Đôn Hoà:

Trung nhạc giáng thần, hộ quốc huân cần lưu yếu diệm.
Dược vương xuất thế, hoạt nhân công đức mẫn hoàn doanh.

Nghĩa là:

Thần trung nhạc giáng sinh giúp nước ân cần lưu phương châu ngọc.
Dược vương xuất thế cứu người công đức khắp cõi bao la.

Các Triều đại Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn đã sắc phong cho Hoàng Đôn Hòa là “Lương dược đại vương”, công chúa Phương Dung là “Từ thục trinh ý kỵ nương”. Còn nhiều các sắc phong nữa, tổng cộng có 42 sắc phong của các đời Vua khác nhau. Hàng năm, cứ vào ngày 12 tháng Giêng là ngày tế lễ ông ở làng Đa sĩ và xã Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

Từ Khóa: