Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn độc hại, chúng ta đang tự đầu độc lẫn nhau, vì thế bệnh ung thư ở Việt Nam đang ngày càng trở thành đại dịch nan giải, gây tử vong cho 205 người mỗi ngày.
Việt Nam chưa bao giờ có nhiều bệnh nhân ung thư như thế này, nhiều đến mức không ít người đã xem ung thư là “căn bệnh thế kỷ” chứ không phải là HIV/AIDS, và tỷ lệ ngày càng gia tăng, nhiều nơi cả làng, cả xã bị ung thư. Và rất nhiều nghi nghờ, rất nhiều lý do được đưa ra.
Chưa bao giờ trên báo chí lại đưa nhiều chuyện về chất vàng ô cực độc muối dưa, ngâm măng; về chất tạo nạc nuôi lợn; về kháng sinh nuôi tôm cá; về phun, bón thuốc sâu tại một xã chuyên trồng rau an toàn cung cấp cho Hà Nội; về sản xuất mỡ bẩn; về thịt bò giả; về thịt thối đang tuồn vào các chợ…Đến nỗi người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm nội địa, không dám ăn thức ăn do người Việt sản xuất ra, và tự hỏi mình có còn được sử dụng thực phẩm an toàn không?
205 người chết mỗi ngày vì ung thư
Tại hội thảo “Tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả” tổ chức ngày 12/4, Bộ Y tế cho biết mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, mỗi ngày Việt Nam có 205 người chết vì ung thư.
Nếu đến các bệnh viện lớn như Nhi Trung ương, K Trung ương, và các bệnh viện ung bướu của các tỉnh, thành phố, thì sẽ thấy lượng bệnh nhân ung thư đông khủng khiếp như thế nào. Bệnh nhân đủ các lứa tuổi, từ em bé vừa lọt lòng đến những học sinh phổ thông, tất cả các em bị bệnh ung thư đánh cắp tuổi thơ và phải bỏ dở việc học hành. Người lớn cũng đủ mọi thành phần và lứa tuổi, ung thư có thể đến với bất cứ ai, nó đang là cái họa loạn, cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu, có thể giáng họa vào bất cứ ai.
Thực tế, những trường hợp một gia đình có đến 4 người chết vì ung thư như nhà cụ Tuất ở làng Lũng Vị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội không còn là chuyện hiếm. Hàng chục thôn, xóm có tỷ lệ mắc và tử vong cao gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước được gọi là làng ung thư.
Hội Ung thư Việt Nam và Bộ Y tế nhận định ung thư là vấn đề quốc gia và ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thậm chí theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: “Bệnh ung thư đang là một đại dịch ở Việt Nam”.
Giáo sư Đức nói: “Trước đây chúng ta lo lắng cho tương lai về một đại dịch ung thư thì nay đã là sự thật. Chúng ta phải thấy rằng, bệnh ung thư đang phát triển trở thành một vấn đề rất bức xúc trong xã hội, là một vấn đề rất bức xúc đối với mỗi gia đình, từng dòng họ, tập thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học… Ở đâu chúng ta cũng đều thấy thân nhân, đồng nghiệp, họ hàng, bạn bè của chúng ta chết vì ung thư, hiện tượng này đang diễn ra trước mắt, hàng năm và rất nhiều… Từ nay đến 2020 tỷ lệ ung thư còn tăng cao hơn vì chúng ta chưa kiểm soát được các yếu tố nguy cơ”.
Thực phẩm là căn nguyên hàng đầu
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay đang ở mức cao. Ra đường thì gặp ô nhiễm không khí, bụi, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá, ở nhà thì ăn thực phẩm, uống nguồn nước ô nhiễm …
GS.TS. Mai Trọng Khoa nhận định, hơn 80% trường hợp ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào như không khí ô nhiễm, thực phẩm, nước uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làm việc độc hại.
Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm “bẩn” đang hàng ngày hàng giờ đầu độc người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia về ung thư, ăn uống thực phẩm không đảm bảo là căn nguyên hàng đầu dẫn đến ung thư. Dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn chiếm trên 30% căn nguyên gây ung thư như ăn nhiều chất béo, đạm, đặc biệt là mỡ động vật, ít rau quả, sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm ô nhiễm hóa chất bảo quản.
Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho hay, 80% nguyên nhân gây ung thư có thể phòng tránh được liên quan đến hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, nguồn nước không sạch và bệnh nghề nghiệp…, trong khi chỉ có 20% còn lại không thể phòng tránh được là tuổi cao và gen di truyền…
Xử lý sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn chưa thích đáng
Bộ trưởng Cao Đức Phát bức xúc: “Có những vụ như vụ ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ, có qui mô bán cho hàng vạn người ăn, khi cơ quan chức năng đến phát hiện, bắt thì phạt 6,5 triệu đồng. Một hành vi dã man, đầu độc bao nhiêu người như vậy mà chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng rồi thôi. Không thể được, không thể được.”
Vấn đề sử dụng, lạm dụng thuốc trừ sâu, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Hiện nay, trong hơn 800 ngàn ha rau được trồng, mới có 7000 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap thôi, chưa được 1%. Rau Vietgap nó cũng đi lung tung nên người ta cũng không biết đâu là “Gap” đâu là không “Gap”.”
Phạt người sử dụng chất cấm 100 triệu đồng cũng “nặng lắm rồi”
Giữa lúc xã hội nóng lên về thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự sửa đổi có nhiều biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Đặc biệt, theo Điều 317, phát hiện sử dụng chất cấm trong thực phẩm, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý hình sự.
Tại Tọa đàm “An toàn thực phẩm Pháp lý và Đạo đức”, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hành chính – Hình sự, Bộ Tư pháp cho hay: “Mặc dù Bộ Luật sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 xử lý hình sự đối với cá nhân, pháp nhân sử dụng chất cấm nhưng thực tế, mức xử phạt 100 – 200 triệu đồng theo Nghị định hiện hành là nặng lắm rồi.”
Từ ngày 1/7/2016, người nào sử dụng chất cấm, quy mô khác nhau nhưng những tình tiết nặng, gây hậu quả đều được quy định phạt Tại mục 1,2,3 Điều 317, Bộ Luật hình sự Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Thoa cho hay, chúng ta có mừng với quy định của Bộ Luật hình sự 2015 vì cho rằng chế tài mạnh. Nhưng trước đó, Nghị định 178/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mức phạt tổ chức 200 triệu đồng, cá nhân 100 triệu đồng cũng là mạnh lắm rồi.
Thành Long
Xem thêm: