Hiện tại có nhiều phương thức tránh thai như uống thuốc, đặt thuốc, đặt vòng… và phương pháp được cho là hữu hiệu nhất: Triệt sản. Nhưng biện pháp triệt sản có thực sự an toàn tuyệt đối?
Emma Brown, 31 tuổi, ở Bắc London, Anh, cho biết cô chưa bao giờ muốn có một gia đình lớn, thậm chí còn không muốn có con. Thế nhưng mọi thứ nằm ngoài dự tính. 4 đứa con của cô lần lượt ra đời: Sofie, 12 tuổi, Sarah, 11 tuổi, Stevie, 5 tuổi và Reginald, 1 tuổi, đều trong tình huống bất ngờ.
Theo The Sun, Emma bắt đầu hẹn hò năm 17 tuổi với người bạn trai tên Leigh. Khi đó, cô đã dùng thuốc tránh thai. Một lần đi khám do có những cơn đau bụng kỳ lạ, Emma được bác sỹ thông báo đã mang thai 6 tháng. Tháng 5/2005, bé Sofie ra đời khỏe mạnh.
Emma tiếp tục dùng thuốc tránh thai, và bị mất hoàn toàn kinh nguyệt. Khi cảm thấy cơ thể có những biến đổi khác lạ, cô đi khám và lại phát hiện mang bầu đã gần 6 tháng. Em bé thứ hai ra đời một năm sau đó. Nhưng lần này Emma không thể vui vì cô đã chia tay Leigh.
Cuối năm 2010, sau vài năm làm mẹ đơn thân, Emma đã gặp một người lính tên Adam. Hai người đã nhanh chóng nảy sinh tình cảm và chung sống với nhau. Không muốn sinh con nữa nên Emma tiếp tục dùng thuốc tránh thai.
Thế nhưng, một lần nữa mọi chuyện lại vượt quá tầm kiểm soát khi chỉ 4 tháng sau khi quen Adam, Emma lại mang bầu. Bé Stevie ra đời vào 22/1/2012 trong niềm vui của đôi bạn trẻ. Họ quyết định đó sẽ là em bé cuối cùng.
“Sau khi Stevie ra đời, tôi đã đi thẳng đến bác sỹ và xin được triệt sản nhưng bác sỹ nghĩ rằng, tôi mới 25 tuổi, còn quá trẻ và thuyết phục tôi đặt vòng tránh thai“, Emma nói.
Đặt vòng có hiệu quả khá tốt cho đến tháng 3 năm ngoái, Emma một lần nữa phát hiện mình mang thai. Ngày 19/10/2016, bé Reginald ra đời sớm một tháng so với dự kiến. Đến lúc này, bác sỹ của Emma mới quyết định triệt sản cho cô vào tháng 4 vừa qua.
Emma chia sẻ: “Hiện tại, tôi không còn cơ hội nào để có thai nữa. Tuy nhiên tôi thực sự vẫn lo lắng… bác sỹ nói rằng, ngay cả khi đã triệt sản, vẫn có khả năng tôi mang thai được, mặc dù tỷ lệ chỉ là 0,05%“.
Liên quan đến triệt sản ở phụ nữ, theo bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP HCM: Có một số kỹ thuật như cột và cắt một phần ống dẫn trứng; đốt điện ống dẫn trứng; dùng kẹp bằng kim loại để kẹp ống dẫn trứng… Trong đó, cột – Cắt ống dẫn trứng là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay.
Các bác sỹ sẽ làm một tiểu phẫu để kéo vòi trứng lên, cột lại thành dạng cái quai dài độ 1,5-2 cm, rồi buộc gốc của quai lại bằng chỉ, và cắt bỏ quai ngay gần sát chỗ cột.
Thường triệt sản được áp dụng cho những người đã có đủ con, nhất quyết không muốn có thêm con nữa; hoặc người phụ nữ đã nhiều lần sinh mổ (nếu mang thai nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng). Một số quý ông đi triệt sản vì tưởng rằng, cứ đi cột ống dẫn tinh, rồi sau đó cần thiết, muốn mở ra thì mở.
Còn về triệt sản ở nam giới, theo bác sỹ Nguyễn Thành Như, Trưởng đơn vị Nam khoa Bệnh viện Bình Dân, TP HCM: Có một số kỹ thuật để triệt sản nam như cắt – cột ống dẫn tinh; dùng clip để kẹp ống dẫn tinh; đốt hai đầu ống dẫn tinh… Phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là cắt – Cột ống dẫn tinh.
Các bác sỹ sẽ làm một tiểu phẫu để kéo ống dẫn tinh và cắt bỏ đi một đoạn chừng 1 cm, rồi cột hai đầu ống lại bằng chỉ. Sau khi cắt – Cột, người đàn ông vẫn có thể phóng tinh bình thường, nhưng chỉ là tinh dịch (vì tinh dịch nằm chủ yếu ở túi tinh và tuyến tiền liệt; còn tinh trùng là ở tinh hoàn).
Thường người ta hay nghĩ rằng đã triệt sản là “triệt” 100% (nghĩa là sẽ không thể có thai nữa). Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Thành Như, không phương pháp ngừa thai nào có thể an toàn tuyệt đối 100% được, kể cả triệt sản. Các thống kê cho thấy, có khoảng 1-5% trường hợp triệt sản ở nam bị thất bại. Nguyên nhân có thể là hai đầu cột ở ống dẫn tinh lâu ngày bị hoại tử bung ra và tinh trùng sẽ đi qua được hai đầu ống.
Một nghiên cứu cách đây 6 năm cho thấy, ở những người đàn ông triệt sản sau 10 năm, khi lấy tinh dịch ra quay ly tâm thì thấy có sự hiện diện của tinh trùng (nhưng số lượng ít). Một nghiên cứu khác trên 1.000 nam giới đã triệt sản cho thấy có 6 bà vợ vẫn có thai (trong đó có 3 người có thai sau khi chồng vừa triệt sản xong).
Tương tự, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Sương cũng cho biết, triệt sản ở nữ không phải là biện pháp tránh thai an toàn 100%. Nghiên cứu ở một số nước cho thấy, tỷ lệ phụ nữ có thai sau khi triệt sản có thể lên đến 2,8%. Nguyên nhân có thể là: kỹ thuật của bác sỹ (khi cột ống dẫn trứng siết không chặt; hoặc có thể cột nhầm phải dây chằng tròn nằm phía sau ống dẫn trứng và cũng giống ống dẫn trứng); cơ địa người phụ nữ (sau một thời gian đã được cột – cắt ống dẫn trứng, chúng có thể nối lại).
Trong 3 tháng đầu sau khi người đàn ông được triệt sản, mặc dù tinh trùng từ tinh hoàn không ra ngoài được nữa, nhưng có thể tinh trùng cũ vẫn còn sót lại trong ống dẫn tinh và bóng tinh. Do vậy, về nguyên tắc, trong 3 tháng sau khi nam giới triệt sản, vẫn cần áp dụng biện pháp tránh thai khác. Sau 3 tháng, nên đến bệnh viện để thử tinh trùng lại. Nếu như không có tinh trùng trong tinh dịch thì xem như việc triệt sản đã thành công. Còn về sau nếu có tinh trùng lại thì có thể là do nguyên nhân đã nêu trên.
Cao Sơn
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.