Nhờ được điều trị tích cực với kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO), một bệnh nhân dù đã ngừng tim, ngừng thở 60 phút đã được cứu sống và hồi phục sức khỏe.
Ngày 17/12, bác sỹ chuyên khoa 2 Đặng Thế Uyên, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đã cứu sống một bệnh nhân viêm cơ tim thể tối cấp, đã ngừng tim, ngừng thở hơn 60 phút.
Bệnh nhân là ông L.N, 49 tuổi, trú tại Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nhập viện ngày 16/11, với các triệu chứng đau thắt ngực, sốt cao.
Các bác sỹ tại khoa Cấp cứu Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế đã chẩn đoán bệnh nhân N bị viêm cơ tim cấp tính chưa loại trừ bệnh lý động mạch vành.
Khi các y bác sỹ chuẩn bị thực hiện kỹ thuật chụp mạch vành để xác định chẩn đoán bệnh thì bệnh nhân đột ngột ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, cấc bác sỹ hồi sức tim, ngoại tim mạch để cấp cứu bệnh nhân.
Ông N. được đưa vào khoa Gây mê hồi sức tim mạch để làm kỹ thuật ECMO – một kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn cơ học giúp duy trì chức năng tim phổi. Quá trình hồi sức tim, di chuyển bệnh nhân và khởi động hệ thống máy mất hơn 60 phút.
Sau 10 ngày được hỗ trợ bằng kỹ thuật ECMO, đến ngày 26/11, bệnh nhân đã hồi phục và được cai ECMO. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân diễn tiến tốt, có thể ăn uống bình thường, các chức năng thần kinh, tri giác đều hồi phục tốt, không có di chứng.
Bệnh viêm cơ tim tối cấp là một thể bệnh rất nguy hiểm, nguyên nhân đa số là do nhiễm vi rút đặc trưng làm thâm nhiễm tế bào ở cơ tim, kèm theo hoại tử hoặc thoái hóa những tế bào cơ tim lân cận, diễn tiến nguy hại đến chức năng co bóp cơ tim rất nghiêm trọng.
Theo bác sỹ Uyên, việc cứu sống các trường hợp bệnh nhân viêm cơ tim như trên ngoài hệ thống ECMO đòi hỏi phải có các ê kíp chuyên môn được đào tạo tốt và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa liên quan để hạn chế tối đa các di chứng thần kinh.
Với trường hợp này, nếu theo phương thức điều trị nội khoa như trước đây thì tỉ lệ thành công rất thấp và khả năng tử vong lên tới 75%.
Thanh Thanh