Thời gian gần đây, vấn đề cải củ đến mùa thu hoạch tại xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) vượt quá lượng cầu nên không thể tìm được nơi tiêu thụ. Khiến cho người trồng lao đao và cải củ cũng bị vứt bỏ đi như rác. Thực ra, cải củ có những công dụng tuyệt vời hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Lãnh đạo xã Tráng Việt cho biết, việc củ cải trắng của bà con nông dân xã không bán được do đây là thời điểm cuối vụ, hơn nữa trong mùa vụ năm nay, củ cải được mùa nên tiêu thụ không hết, càng về cuối vụ thì lại càng rớt giá thê thảm, theo Lao Động.
Không chỉ có người dân, nhiều thương lái lỗ nặng đến hơn 100 triệu đồng vì trước đó mua cả sào củ cải của người dân.Nếu như trước Tết, giá củ cải trắng dao động ở mức 6.000-8.000 đồng/kg thì những ngày này, củ cải trắng bán ra tại ruộng chỉ dừng lại ở mức từ 500-1.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Phúc, một người trồng củ cải ở xã Tráng Việt, cho biết củ cải hiện giá “rẻ như cho” chỉ 1.000 đồng/kg nhưng số lượng người mua rất ít.Theo ông Phúc, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều khách hàng thấy củ cải to nên nghĩ là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Phúc khẳng định giống cải mà ông và những hộ nông dân khác trồng là giống to, quy trình trồng đảm bảo sạch 100%.
Cây cải củ là cây mọc 1 năm hoặc 2 năm, rễ củ phình to. Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 7. Mùa quả từ tháng 6 đến tháng 7. Loài cây này được trồng ở khắp nơi nước ta, rễ củ làm thức ăn bổ dưỡng, lá để làm dưa muối và hạt để làm thuốc (tên gọi la bặc tử). Rễ củ này có thể dùng tươi hoặc dùng khô đều được.
Củ cải đã được khoa học chứng minh là giàu vitamin, acid folic, anthocyanins… và những hoạt chất chống ung thư hiệu quả khác. Các vitamin có mặt trong củ cải có thể dùng trong việc điều trị các rồi loạn về da. Củ cải cũng giúp cải thiện chức năng của gan và túi mật. Dưới đây là một số lợi ích mà củ cải mang lại.
1. Cung cấp chất xơ cho bữa ăn
Củ cải cung cấp cho bữa ăn nhiều chất xơ. Tỉ lệ chất này cao giúp cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn của cơ thể và giữ việc trao đổi chất ở tốc độ thích hợp. Hàm lượng chất xơ cũng thêm vào lượng thức ăn mà bạn cần trong việc ăn kiêng và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. vậy nên, nó chính là đồ ăn nhẹ hoàn hảo vào buổi tối.
2. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Củ cải chứa các chất chống oxy hóa tương tự như những chất tìm thấy trong cam quýt. Những chất chống oxy hóa này bảo vệ cơ thể chống lại phản ứng oxy hóa và sản phẩm phụ – thứ mà có thể gây ra ung thư hoặc làm cho cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
3. Có lợi cho sự phát triển của xương
Hạt củ cải có thể có thể thúc đẩy sự hình thành và làm xương chắc khỏe. Hạt chứa một lượng calci cao. Trong khi đó calci là một chất quan trong trong quá trình tạo xương. Do vậy thực phẩm này đặc biệt có lợi cho trẻ nhỏ.
4. Xử lí vết côn trùng cắn
Củ cải trắng góp thêm một tác dụng tuyệt vời trong việc xử lí vùng da bị côn trùng cắn. Có thể thái lát mỏng đắp lên hoặc giã nát đắp vào vùng bị côn trùng châm chích hoặc cắn. Do trong củ cải trắng có chất chống viêm làm giảm đau hiệu quả.
5. Ngăn ngừa ung thư
Chứa Vitamin C, axit folic, và anthocyanin, nước ép củ cải giúp hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Trong thực tế, nước củ cải được biết đến để hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng, ung thư thận, ung thư dạ dày và ung thư ruột.
6. Giúp cơ thể thải độc, tăng cường tiêu hóa
Củ cải là chất nhuận tràng tự nhiên, giúp giải độc cơ thể một cách hiệu quả bằng cách loại bỏ các chất thải ra ngoài bằng hai con đường đại tiện và tiểu tiện. Nó cũng giúp tiêu hóa tốt hơn bằng cách thúc đẩy sản xuất mật. Cũng nhờ chức năng này mà người bị táo bón nên đưa loại thực phẩm này vào danh sách thường xuyên có mặt trong bữa ăn của mình.
7. Tăng cường chức năng cho gan
Củ cải rất tốt cho gan và dạ dày. Chúng là các chất giải trừ độc tố mạnh và giúp thanh lọc máu. Do vậy nước củ cải có thể giải độc rượu.
8. Sinh cơ và hồi phục sức khỏe
Rất nhiều chất dinh dưỡng cần cho sự tạo cơ. Đạm là thành phần chính tạo nên khối cơ. Lượng protein dồi dào trong củ cải sẽ giúp bạn điều này.
9. Củ cải có giúp giảm cân cho người thừa cân?
Câu trả lời là có. Củ cải chứa lượng nước lớn và sự có mặt của loại carbohydrate không tiêu hóa được (cellulose) làm cho chúng trở nên có ích trong vấn đề này. Dùng củ cải giúp tránh việc tích lũy chất béo và calo vượt giới hạn trong cơ thể.
Theo y học cổ truyền, toàn thân của cây cải củ có tác dụng lợi tiêu hóa, chữa ho có nhiều đờm, nôn mửa. Một số đơn thuốc tham khảo:
Bài 1: La bặc tử (hạt cải củ) 10 – 15g sắc nước uống trong ngày
Theo một số tài liệu cổ, La bặc tử có vị cay ngọt, tính bình, có tác dụng hạ khí, định xuyễn, tiêu tích hóa đờm, Dùng chữa ho, hen xuyễn, ngực bụng đầy trướng, khí trệ mà sinh đau. Người khí hư như: mệt mỏi, ngại nói, nói nhỏ, hụt hơi, hoa mắt chóng mặt, tự ra mồ hôi tránh dùng.
Bài 2: “Tam tử dưỡng thân thang” : La bặc tử sao 10g, Tử tô sao (hạt tía tô) 10g, Bạch giới tử sao (hạt cải canh) 3g.
Tất cả tán nhỏ, cho vào túi vải sạch, thêm 500ml nước, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa ho lâu ngày ở người già.
Bài 3: Củ cải phơi hoặc sấy khô, dùng 10 – 15g/ngày hoặc lá củ cái phơi sấy khô 10 – 15g sắc uống
Thông tiểu tiện, chữa phù thũng, tiêu đờm. Củ cải cũng giúp ăn ngon miệng hơn.
Yến Dương