Châm cứu là phương pháp trị bệnh có từ rất xa xưa của Y học cổ truyền. Tuy nhiên cho đến ngày nay, thuật trị liệu này đã thay đổi quá nhiều. Đi liền với nó là hiệu quả cũng thay đổi một cách to lớn.
Theo sách vở ghi chép lại, Châm (dùng kim) là đứng đầu, kế đến là Cứu (dùng ngải) và thứ ba mới là dùng thuốc. Cổ nhân thường dạy: Nhất Châm – Nhì Cứu – Tam Dược. Lại dạy: Uống thuốc ba năm không bằng cứu ngải một mồi. Những lời dạy đó đủ thấy uy lực của châm – cứu trong điều trị theo Đông Y.
Trong các kinh điển châm cứu, đều có dạy về công hiệu như thần của phép châm. Thường nói, rút châm ra là bệnh khỏi. Thế nhưng, sao chẳng thấy điều ấy ở thời nay. Xưa thường nói, châm một huyệt, nếu chưa công hiệu, thì châm huyệt thứ hai. Thường thì chỉ 1 – 2 huyệt là bệnh thuyên giảm hoặc khỏi liền. Công hiệu đều được khen tặng là “như thần”. Vậy nhưng ngày nay, châm tới ‘kín người’, mà công hiệu có khi không thấy nhanh như vậy. Vì sao?
Sách cổ dạy làm châm như thế nào?
Cây châm cổ xưa được làm hết sức công phu, và thường thì mỗi vị thầy châm trong đời cũng chỉ sở hữu một vài bộ cửu châm (9 cây châm).
Nếu làm bằng vàng, thì là loại tốt nhất. Nhưng quá hiếm, nên thường làm bằng sắt. Phải lựa sắt tốt, rồi làm thành một phần của dây cương ngựa, cho ngựa ngậm vào. Quan niệm rằng, sắt đúc đều có độc, nên không thể làm châm chữa bệnh. Ngựa là Ngọ – thuộc Hỏa. Hỏa khắc Kim, cho nên để ngựa ngậm sẽ tẩy được hết độc tính của sắt. Sau một thời gian tầm 3 năm, sắt ấy được xem là hết độc tính. Người ta cắt miếng sắt thành các dây sắt nhỏ hơn, rồi mài thành hình kim.
Tiếp đó, lấy kim ấy nhúng trong chất Thiềm Tô (mủ cóc) và đưa vào lò nướng. Nhựa cóc có dược tính cực quý, tác dụng tiêu thũng, tiêu ung thư, chỉ thống (cắt cơn đau), trấn thống (gây tê), lợi tiểu, hóa đàm, trị suyễn, v.v. Nướng với thiềm tô 3 lần thì thôi. Sau khi làm bước này, cổ nhân tin rằng, kim đã có dược tính tốt, khi châm sẽ không gây đau đớn, lại có thể lập tức trị các chứng bệnh.
Nhân khi kim còn đang nóng, bèn đâm vào da heo. Rồi đem kim và da heo đó nhúng trong thuốc. Có công thức thuốc cụ thể. Nấu thuốc và da heo cùng kim trong nồi đất, chờ khi nấu cạn, lấy kim ra cho vào nước lạnh, rồi lại lấy kim đâm vào đất sét vàng 100 lần có dư để cho được trơn và bóng. Tiếp theo lấy dây đồng cuốn lên thành cán – đốc kim, còn mũi kim thì mài thêm cho nhọn, trơn, không để có ngạnh.
Sau đó, đem nấu với thịt chó trong nguyên một ngày. Sau mang kim ra mài bằng mạt ngói cho trơn, nhẵn, nhọn thêm. Cuối cùng thoa dầu thông lên cho trơn bóng.
Châm này sau khi tạo thành, thì để ở một bao da, thường quấn quanh người thầy châm để lấy hơi ấm. Trước và sau khi châm, dùng nước sôi hay rượu mạnh để tẩy kim. Nếu ít dùng, thì ngâm trong rượu thuốc tốt, để khi cần thì mang ra dùng cũng được.
Ngày nay, kim châm đều là sản xuất công nghiệp, bề ngoài thì vô khuẩn, nhưng e rằng độc tính vẫn còn. Kim lại thường chỉ dùng 1 lần rồi bỏ, xét theo công năng thì không mang theo chút “thần uy” nào cả.
Phép châm ngày nay đã xuất hiện nhiều biến dị. Đó là chưa kể việc người châm cứu đời xưa thường là những bậc tu đạo, thông hiểu nhiều lý nhiệm màu, cũng gọi là thông nho, y, lý, số. Họ đều tín thần. Như thế thì hiểu tinh hoa môn này gần như đã mất.
Theo facebook phuoc.trantan