Hoa nhài được biết đến với màu trắng tinh khôi, hương thơm dịu mát, thường được sử dụng trong công thức ướp trà từ xa xưa. Không chỉ vậy, loài hoa này còn có tác dụng an thần, cải thiện giấc ngủ, giảm ho, chống nhiễm trùng…

Hoa nhài còn có tên khác là nhài đơn, nhài kép, mạt lị, tên khoa học là Jasminum sambac, thuộc họ Hoa nhài Oleaceae.

Hoa nhài vị ngọt đắng, tính hơi hàn, mùi thơm dễ chịu, thường toả hương vào ban đêm; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu phù, hoạt huyết làm tan máu tụ… Lá và rễ hoa nhài cũng được sử dụng làm vị thuốc. Rễ có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là mùa thu – đông. Ở Ấn Độ, hoa nhài được dùng để làm dịu vết loét chậm liền. Trung Quốc, Việt Nam dùng hoa để ướp trà, làm thơm thức ăn.

Ảnh: vietnamnet.vn

Chiết xuất tinh dầu hoa nhài được chứng minh là có tác dụng tăng sự tỉnh táo, cải thiện tâm trạng, tăng cường lưu thông máu và giúp an thần. Với rất nhiều công dụng như vậy nên không có gì lạ khi nó được gọi là ‘Jasmine’ có nghĩa là ‘một món quà từ thượng đế’.

Tác dụng của tinh dầu hoa nhài

Cải thiện bề mặt da

Trong lịch sử, hoa nhài là một phần trong công thức làm đẹp của phụ nữ. Tại Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, hoa nhài được pha trộn với các tinh dầu khác trong công thức làm đẹp.

Do tác dụng tăng cường lưu thông máu và trao đổi chất ở tế bào, ở mức độ điều trị tinh dầu hoa nhài sử dụng tốt cho người da khô và lão hoá da. Dùng cho bệnh chàm, viêm da. Hữu ích cho các vết sẹo phai màu và vết rạn da ở phụ nữ sau sinh.

Giảm bớt căng thẳng và cải thiện giấc ngủ

Tinh dầu hoa nhài có thể làm giảm sự lo lắng, tức giận và căng thẳng. Mùi thơm hấp dẫn làm cho con người thấy hạnh phúc, tăng năng lượng và tâm trạng thăng hoa. Lý do là nó tăng giải phóng kích thích tố như serotonin.

Phát huy công hiệu như một vị thuốc an thần, chống co thắt, tinh dầu hoa nhài cũng giúp bạn thưởng thức một giấc ngủ yên bình.

Giảm ho

Tính chất long đờm của tinh dầu hoa nhài giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi sự tắc nghẽn do cảm lạnh, giảm ho. Nó cũng giúp bạn loại bỏ chứng ngáy bằng cách loại bỏ những dị vật tắc nghẽn ra khỏi đường hô hấp.

Ảnh: vi.photo-ac.com

Ngăn ngừa nhiễm trùng

Tinh dầu hoa nhài là một chất khử trùng. Các thành phần trong chế phẩm như axit benzoic, benzyl benzoat… có đặc tính diệt khuẩn, diệt nấm và kháng virus.

Khi dùng ngoài cho các vết thương, nó ngăn cản nhiễm trùng. Nó cũng cho các tác dụng ở bên trong là khi hít vào thì có thể giảm nhiễm trùng trong hệ hô hấp nên có tác dụng trị cảm lạnh và ho.

Một số bài thuốc dân gian từ hoa nhài

Trị ho, chữa nhiễm trùng đường niệu: Hoa nhài giã nát trộn thêm mật ong ăn giúp trị chứng ho ra máu. Có thể cho thêm nước vào hỗn hợp này nấu lênlên nấu lên ăn giúp thông tiểu tiện. Trị các bệnh về nhiễm trùng niệu đạo.

Chữa mất ngủ: Hoa nhài 16g, Thạch xương bồ 6g, trà xanh 10g. Hãm tất cả với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút là dùng được. Uống thay trà hằng ngày.

Ghẻ lở, viêm tuyến vú: Lá cây hoa nhài tươi, rửa sạch, giã nát, đắp và nơi thương tổn. Cũng có thể trộn thêm đường đen đắp ngoài mụn nhọt.

Cách pha trà hoa nhài

Thường dùng hoa nhài tươi, ướp trà qua rất nhiều bước công phu sẽ cho ra loại trà hương nhài. Tuy nhiên, ở đây, xin giới thiệu bạn đọc cách pha trà hoa nhài đơn giản.

Nguyên liệu: Hoa nhài khô 1 thìa nhỏ, Trà xanh loại ngon 1 thìa to, Mật ong 1 thìa (Lượng dùng tuỳ người sử dụng)

Cách làm: Hoa nhài khô cho nước sôi tráng sạch để ráo. Cho trà xanh vào cùng hoa nhài vào ấm, đổ 350ml nước sôi, ngâm khoảng 5 phút có mùi thơm là dùng được. Có thể cho thêm mật ong vào khuấy đều rồi thưởng thức.

Tác dụng: Giúp tinh thần sảng khoái, giải hết căng thẳng.

Lưu ý:

  • Phụ nữ mang thai không nên dùng tinh dầu hoa nhài
  • Người dị ứng với phấn hoa nhài không nên sử dụng các chế phẩm từ nó